Gần đây mình bắt đầu xem series phim Workin’ Mom, cảm xúc phải xa con sau kì nghỉ thai sản dài chợt ùa về và mình thực sự chẳng muốn rời xa con một chút nào, dù cho nhiều lúc cũng đuối và nói con “mẹ đuối quá, Nhím tự chơi một mình nha, mẹ phải nằm nghỉ chút đây”.

Những lúc cảm xúc dạt dào mình lại bị “ngứa nghề” (những ai thân với mình từ thời Đại học ở Việt Nam sẽ hiểu lý do tại sao) nên mình muốn ghi lại hết tất tần tật những trải nghiệm bên con giai đoạn 2-3 tuổi. Sau này có dịp, mình nhất định sẽ đọc lại cùng con.

1. Đọc sách

Như mình đã từng chia sẻ về việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con, mình cũng lần đầu làm mẹ nên đã gõ cửa rất nhiều mẹ có kinh nghiệm để có thể giúp con yêu sách. Mình cũng đã áp dụng những tuyệt chiêu từ các mẹ truyền cho, như kết thúc việc đọc sách sớm hơn mong muốn của con để luôn tạo cho con cảm giác “thèm đọc”. Khi con đòi đọc thêm, đọc lại thì mình có thể đọc lại nhưng canh thời gian không quá dài và kết thúc sớm, hẹn con sáng hôm sau hoặc ngày hôm sau sẽ đọc tiếp để con có cảm giác luôn “thèm đọc”. Nhím nhà mình thường là người chủ động đề nghị “Mẹ đọc sách cho con” từ khi lên 2 vào mỗi sáng sớm và chiều tối trước giờ đi ngủ. Thỉnh thoảng khi mình ngồi thư giãn, Nhím tự chơi chán cũng chủ động muốn mẹ đọc sách cho nghe. Nhưng mình cũng “rén” lắm, không dám đọc nhiều vì không muốn việc đọc sách làm con sợ. Bên cạnh đó mình cũng luôn cố gắng duy trì việc đọc sách cho con hàng ngày để con xem đó như một công việc đương nhiên phải làm giống như mình phải ăn cơm, đi học và đi ngủ. Cũng có những lần mình loay hoay, ngồi suy nghĩ để tìm ra cách truyền tải nội dung một cuốn sách cho thêm lôi cuốn, rồi tự thay đổi cách đọc để hai mẹ con đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi lật từng trang sách.

Ở giai đoạn 0-3 tuổi thì mình thường chọn những cuốn sách có hình to, rõ ràng và đẹp để thu hút sự chú ý của Nhím. Các bạn quan tâm có thể đọc chia sẻ của mình về một vài bộ sách trong tủ sách nhà Nhím. Trong quá trình đọc mình để ý đến sự quan tâm của con và trao cho con cơ hội nói lên suy nghĩ của mình. Khi con thích một trang sách, một hình vẽ nào đấy thì mình sẽ lập tức dừng lại và ngắm nghía rồi trò chuyện cùng con về trang sách, bức hình đó. Tương tác hai chiều khi đọc sách rất quan trọng để giữ cho con tình yêu với sách. Mình cũng chưa bao giờ bị áp lực phải đọc hết nội dung cuốn sách, hay những dòng chữ dài mà mình thường áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Việc đầu tiên mình làm là luôn luôn giới thiệu sự tồn tại của cuốn sách mà mình muốn hai mẹ con sẽ cùng đọc. Có thể là đặt lên cửa sổ, cũng có thể đặt lên kệ sách của Nhím. Và lâu lâu mình lại đọc tên cuốn sách và chỉ cho Nhím. Mỗi khi tới giờ đọc sách thì Nhím là người chủ động đề nghị và được trao quyền lựa chọn sách nên nàng rất háo hức. Khi bắt đầu đọc một cuốn sách mình thường chỉ cùng con xem tranh vẽ trong sách và tóm tắt tên các nhân vật, cùng con trò chuyện về hành động, cảm xúc của các nhân vật và hỏi Nhím thấy những gì ở mỗi trang sách có hình. Trong quá trình xem tranh mình cũng cố gắng liên tưởng và lồng ghép những gì Nhím thích, những bài hát, bài thơ mà Nhím thuộc để hai mẹ con có dịp được và hát cùng nhau. Cứ như vậy, theo thời gian Nhím sẽ nhớ tên các nhân vật và được dịp giới thiệu cho mẹ. Việc còn lại của mẹ chỉ là thêm từ từ nội dung của cuốn sách để con hiểu được cốt truyện một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu để con có thể nhớ từ từ và cùng mẹ kể lại câu chuyện, nội dung trong sách.

Mình là một bà mẹ khá tham lam nên cố gắng “dụ dỗ” con nhiều nhất có thể. Như là dụ con đọc những cuốn sách có tuổi thơ của mẹ trong đó. Hai mẹ con mình hay đọc cuốn sách Thả diều trên đê – Tuyển tập thơ thiếu nhi để mình giới thiệu cho Nhím về kí ức tuổi thơ đẹp đẽ, tuyệt vời của mình trên những cánh đồng, những bờ cỏ lau, những buổi thả diều khi trời gió, những trưa hè nắng gắt bắt ve, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm rộn ràng cả xóm làng. Tuổi thơ của mẹ đẹp lắm con ơi!!!!

Và gần đây mình đã dẫn dắt nàng vào con đường mê Dế mèn phiên lưu kí, công đầu thuộc về họa sĩ Đậu Đũa, người đã vẽ lại toàn bộ nội dung quan trọng nhất của cuốn sách bằng những bức tranh tuyệt đẹp, sống động, người lớn như mình còn mê nên Nhím cũng không ngoại lệ. Nhờ vào những bức tranh to, rõ ràng và đầy thu hút mà mình đã có thể cùng Nhím xem tranh và cùng nhau đọc nội dung cuốn sách qua lời kể của mẹ. Mình thực sự không hề đọc từng chữ trong cuốn sách, việc này là bất khả thi đối với em bé 2 tuổi. Thay vào đó là mình thực hiện từng bước giới thiệu sách cho Nhím như đã kể trên và dẫn con vào thế giới văn học thiếu nhi Việt Nam cũng hấp dẫn không kém cạnh gì văn học thiếu nhi nước ngoài như bộ truyện Cá voi đêm bão mà mẹ con cùng đọc tới tập 2 rồi. Đọc sách Dế mèn, được nghe những bài hát dân ca Bắc bộ Trống cơm và nhìn ngắm hình ảnh Dế Mèn, chị Nhà Trò cùng 3 con nhện bụng béo ĩnh nhảy múa và đánh trống làm Nhím cũng khoái chí lắm. Mục đích sâu xa của việc mình đọc sách này cho Nhím là để dần dần con hiểu ra rằng, không một ai là hoàn hảo, không một ai sinh ra đã làm đúng và biết cách làm vui lòng tất cả mọi người. Như Dế mèn, từ nhỏ đã xa mẹ ở riêng và cũng đã có những lúc hối hận vì những hành động ngỗ nghịch của mình và đã phải trả cái giá rất đắt là mất đi cặp râu. Nhưng sau tất cả, Dế mèn đã xem đó là những bài học quý giá và thay đổi bản thân, biết nhận ra sai lầm của mình và sửa đổi. Điều tuyệt vời nhất chính là hình ảnh mẹ ôm Dế mèn vào lòng để bày tỏ niềm tự hào khi con biết giúp đỡ chị Nhà Trò yếu ớt thoát khỏi sự chọc ghẹo, đe doạ của bọn Nhện. Mẹ cậu đã xuất hiện thật đúng lúc để ghi nhận sự thay đổi của con, đó cũng là hành động tiếp thêm sức mạnh cho Dế mèn trong những chuyến phiêu lưu tiếp theo của cuộc đời.

Sau 2 năm cả nhà (bà ngoại và ba mẹ) chăm chỉ đọc sách cùng con mỗi ngày thì mình ngộ ra rằng việc đọc sách đã giúp cho Nhím nhận biết về thế giới xung quanh nhiều và nhanh hơn, ngoài mong đợi của ba mẹ. Chẳng trách mà đọc sách luôn nằm trong tốp những việc nên làm với trẻ nhỏ. Con đã có thể nhận biết được màu sắc, hình dạng khác nhau từ rất sớm và có sự liên tưởng trong đầu khá nhạy bén. Cả nhà đã khá bất ngờ khi 1,5 tuổi con đã có thể trả lời tên các nhân vật trong Babblarna thông qua các câu hỏi về màu sắc của các bạn và ngược lại. Con cũng biết nói từ khá sớm nhờ vào việc đọc sách và hiện tại con đang trong giai đoạn so sánh những sự đối lập của các sự vật như to – nhỏ, trước – sau, ngắn – dài,… Bên cạnh đó là sự so sánh giống và khác nhau của hình ảnh, hành động cũng nhạy bén hơn. Có lần mình đang đọc sách, bỗng dưng Nhím gập sách lại và chỉ vào ảnh trang bìa và lật lại trang 2 mẹ con đang đọc và nói “giống nhau”. Mà đúng thiệt, đó là hình Dế mèn và Dế Trũi ở trang bìa của cuốn Dế mèn phiên lưu kí giống với trang hai mẹ con đang đọc. Chỉ có điều trang bên trong sách được phóng to hơn, nhưng Nhím đã nhận ra và liên tưởng đến trang bìa rồi so sánh ngay. Mẹ thực sự rất bất ngờ.

2. Kết nối con với người thân ở Việt Nam

Việc làm hiệu quả nhất là đưa con về chơi với ông bà và những người thân hai bên gia đình hoặc là ngược lại, mời ông bà sang chơi. Như hè năm trước Nhím được về chơi cả tháng, cả nhà 2 bên gia đình đã cùng nhau đi du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An. Chuyến đi tuy ngắn nhưng Nhím đã có cơ hội được ở cùng với mọi người hai bên gia đình và trong chuyến đi con cũng đã cảm nhận được ít nhiều tình thân gia đình. Và thời gian bà nội, bà ngoại sang chơi với Nhím cũng đã giúp con có sự kết nối với bà tốt hơn. Mặc dù bà đã về Việt Nam hơn 2 tháng, nhưng Nhím vẫn thường nhắc tới bà ngoại, khi vẽ hình Nhím cũng vẽ thêm bà ngoại và hình ảnh bà dắt tay Nhím đi chơi. Có hôm Nhím vẽ bà ngoại, ba và Nhím dắt tay nhau đi chơi, mình hỏi “ủa rồi mẹ đâu?”, Nhím lấy phấn vẽ thêm 1 chiếc xe nôi và nói “mẹ đẩy xe nôi cho Nhím Nhim”. Thì ra là nàng bắt mẹ đẩy xe nôi rồi nàng nắm tay ba và bà đi chơi. Ba mẹ khá bất ngờ về suy nghĩ của con. Tất nhiên hình vẽ của Nhím, một em bé 2 tuổi là những hình tròn như của khoai kèm theo hai dấu chấm làm mắt là ra người, xe nôi thì là một hình nghuệch ngoạc bất kì. Nhưng thật vui khi con đã tưởng tượng ra được những hình ảnh khác nhau và nói ra được suy nghĩ của mình.

Ngoài ra, Nhím còn có dịp nói chuyện với ông bà qua điện thoại, giỡn với bà nội, hát cho ông ngoại nghe nhiều bài tiếng Việt. Có hôm ông còn livestream cho Nhím xem chim trong lồng ông nuôi, con mèo của dì út, con chó to trong nhà,… Cứ như vậy Nhím và ông bà có thể thấy nhau và Nhím biết mình có ông bà, chỉ có điều ông bà ở xa, ôm ấp nhau thật khó. Nhím chỉ có thể thơm ông bà qua màn hình điện thoại mà thôi.

Hè năm trước Nhím cũng có dịp chơi cùng anh họ, anh Tép, hơn Nhím 9 tháng tuổi. Hai anh em có dịp chơi với nhau cả mùa hè (ba mẹ Nhím có những tuần “đánh lẻ” đi du lịch Đà Lạt nên Nhím về nhà ngoại). Và bằng một mối liên kết kì diệu, 2 anh em vẫn luôn nhớ về nhau và muốn xem hình, video của người còn lại. Mình và chị họ mình (mẹ Tép) cũng nhận ra là anh em Tép – Nhím rất quý nhau. Được đà mình lấy luôn hình ảnh minh hoạ 2 anh em trong bài thơ “Làm anh” nằm trong tuyển tập thơ thiếu nhi Thả diều trên đê để kể cho Nhím nghe về hai anh em nhà Tép – Nhím. Là khi anh Tép thấy Nhím khóc, anh dỗ dành ân cần lắm. Là khi Nhím bị té, anh cõng Nhím lên vai. Là khi anh nhường cho Nhím miếng dưa hấu to, anh chia em phần hơn. Là khi anh nhường cho Nhím đồ chơi đẹp là một chiếc xe hơi. Và là khi hai anh em chơi mệt quá, nằm ra chiếu, anh nhường chiếc mền cho Nhím và anh thì LÒI RÚN vì áo ngắn quá. Thế là nàng cứ cười lăn cười bò mỗi khi đọc đến trang này thấy anh Tép nằm lòi rún. Cứ như thế, hai anh em tuy xa mà gần.

3. Xếp hình với độ khó tăng dần (6 miếng-24 miếng)

Nhờ công cuộc trao đổi đồ chơi với nhà Emma mà Nhím nhận được quà là 2 bộ xếp hình, 1 bộ 6 miếng dành cho bé từ 2 tuổi và 1 bộ 24 miếng dành cho bé từ 3 tuổi.

Bộ 6 miếng là bộ có hình các bạn nhỏ trong Babblarna mà Nhím rất yêu thích và thuộc tên, màu sắc của từng bạn từ khi hơn 1 tuổi. Cũng nhờ vào việc nhận biết được màu sắc của các bạn mà Nhím đã nhanh chóng ghép được bộ này dưới sự hướng dẫn của ba mẹ. Sau 2 ngày là con đã tự xếp được mà không cần trợ giúp. Và bộ này, 2 tuần gần đây luôn là trò đầu tiên Nhím lựa chọn khi đến giờ chơi buổi chiều tối của gia đình.

Bộ 24 miếng là bộ đầy thử thách đối với một em bé 2 tuổi vì họ khuyến khích dành cho bé lên 3. Nhưng vì tụi mình nhận thấy Nhím có khả năng tập trung ngày càng lâu hơn và sự kiên nhẫn cũng ngày một tăng nên quyết định giới thiệu luôn và chơi cùng con. Trò này ba mẹ chỉ chơi cùng con khi thực sự sẵn sàng dành thời gian cho con mà không bị chi phối bởi những thứ xung quanh. Vì đây là một trò chơi tốn thời gian dài hơn để có thể tìm và ghép được 24 miếng ghép nên cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn của ba mẹ, sự hướng dẫn nhẹ nhàng về cách chơi, cách suy nghĩ để tìm ra miếng ghép còn thiếu. Điều quan trọng nhất là sự khuyến khích, động viên và tán thưởng kịp thời khi con tìm ra được và ghép đúng. Mình cũng khá bất ngờ vì sau 2 tuần Nhím đã dần hiểu và có thể tự mình đi tìm những mảnh ghép cần thiết, ba mẹ chỉ cần ngồi quan sát và lâu lâu gợi ý, hỗ trợ khi cần. Số lần “can thiệp” vào việc xếp hình của con ngày càng ít đi mà thay vào đó là “Wow! Sao Nhím tìm ra nhanh thế”, “Ô, Nhím nhìn ra chi tiết nhỏ xíu còn nhanh hơn cả mẹ” kèm theo sự ngạc nhiên. Mình chỉ biết gật gù đồng ý với nghiên cứu chỉ ra rằng “khả năng ghi nhớ của trẻ dưới 6 tuổi gấp 4 lần so với người trưởng thành”.

Nhím nhớ cách chơi mà ba đã hướng dẫn, đó là ghép con ngựa trước, rồi trái bóng trên đầu, sau đó là những bạn động vật phía bên trái,…nên nàng từ từ cũng mày mò tốt hơn

4. Vui chơi cùng các con số 0-10

Mình bắt đầu những con số với Nhím từ khá sớm, cái thuở sơ sinh thông qua việc đếm từ 1-10 mỗi khi mát xa lòng bàn tay, bàn chân cho con. Rồi cơ duyên đưa mình đến với phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman trong một lần tìm hiểu về Giáo dục sớm (Early Education) nên mình đã mua và sử dụng bộ thẻ học Toán thông minh Glenn Doman để xem cùng với Nhím từ khi con 3 tháng tuổi.

Khi đi chơi cùng con đến các thang máy hay lúc đợi xe điện, xe buýt thì mình hay nói với con về những con số trên đầu và bên hông xe buýt và đố Nhím xe điện, xe buýt đang tới là số mấy. Cũng nhờ trò chơi này mà Nhím biết được đi học về là đợi xe số 2 và nhận ra được khi nào xe tới.

Nhím đã đếm được từ 1-10 sau những lần chơi trốn tìm cùng mẹ khi con 1,5 tuổi cả tiếng Việt và tiếng Thuỵ Điển. Mình không dạy con tiếng Thuỵ Điển mà nhờ các cô ở trường có project về các con số cho các anh chị lớn tuổi hơn cùng lớp nên Nhím được tham gia cùng. Cô cũng rất vui khi Nhím có hứng thú với các con số ở lớp và còn chụp hình Nhím đọc các con số ở lớp để đưa lên bài tổng kết hàng tuần của lớp.

Bộ thẻ học ghép số kèm que tính cũng được cả nhà tận dụng để giúp Nhím nhận diện được mặt số, tập đếm số lượng các con số mỗi hình và sáng tạo ra những trò chơi thú vị dựa vào trí tưởng tượng của mỗi bé. Nhím đã chơi trò cho các bạn thú ăn mì spaghetti, có hôm Nhím đổi thành mì Udon.

Hiện Nhím đã qua giai đoạn học thuộc lòng các con số và đang dần chuyển qua giai đoạn sử dụng các con số để tập đếm và vận dụng vào thực tế. Mình thường giả bộ ngu ngơ và quên cách đếm để nhờ con đếm giúp số lượng các nhân vật, hình ảnh khi đọc sách cùng con từ dễ đến khó hơn một chút. Ví dụ khi đọc sách Ehon Bé Trứng, ban đầu mình nhờ con đếm những trang sách có số lượng trứng rất ít chỉ từ 1-2 quả. Khi đọc Dế mèn phiêu lưu kí thì mình thường nhờ Nhím đếm giúp mẹ Dế mèn có mấy người con thì Nhím đếm được ra 3 người con (ông anh cả, ông anh hai và Dế mèn) rồi nhờ Nhím đếm cả nhà Dế mèn có bao nhiêu người thì con đếm được 4 người, thêm cả mẹ. Theo thời gian Nhím đã đếm được tới 9 con rắn trong quyển Bé Trứng. Tất nhiên, mình biết được cô nàng rất vui và thích chí khi được mẹ cảm ơn nên mình thường cám ơn con mỗi khi con đếm giúp và thủ thỉ bên tai con rằng mình “thật may mắn khi có Nhím”, “Nhím mới 2 tuổi đã biết giúp đỡ mẹ đếm rồi”, “Nhím thật ngoan” thay vì khen “Nhím giỏi quá!”. Đây cũng là điều rất hay mà mình đã học được trong quá trình công tác tại trường mầm non Thuỵ Điển. Khi bạn thường xuyên khen một đứa trẻ giỏi thì sẽ dần tạo cho chúng một suy nghĩ là trong mắt người lớn bé thật giỏi, và khi lớn hơn một chút, nếu làm sai thì bé sẽ dễ rơi vào trạng thái sợ hãi vì nếu người lớn chứng kiến có thể chúng sẽ bị đánh giá là không giỏi chút nào. Nhiều trẻ còn tỏ ra bực tức, ném đồ đạc khi không làm được như ý muốn hay như kì vọng của người lớn. Cũng vì vậy mình rất cẩn trọng trong việc khen Nhím và cũng bình tĩnh hơn trong việc đối mặt với những hành động chưa đúng của con. Như khi con đếm sai thì mình cũng hay động viên con là hai mẹ con mình cùng kiểm tra lại nha rồi cả 2 cùng đếm, lâu lâu mình cũng tỉ tê với con rằng người lớn như ba mẹ cũng có lúc sai, sai thì mình làm lại, không sao cả. Việc ghi nhận hành động tốt của con đi kèm với cảm xúc của người bên cạnh cũng được mình để ý khi trò chuyện với con, dần dần cô nàng cũng đã tự đề nghị giúp đỡ ba mẹ nhiều việc hơn như dọn bàn ăn, giặt đồ, sấy đồ vì có lẽ con hiểu được mọi người sẽ vui khi nhận được sự giúp đỡ từ con, một em bé lớn rồi, tận 2 tuổi cơ.

5. Làm việc nhà và tự chăm sóc bản thân

Theo thông tin mình tìm hiểu từ những trang làm cha mẹ của Úc (The Australian Parenting website) và những trang về các hoạt động cho trẻ 2 tuổi khác thì việc cho trẻ làm việc nhà từ sớm đem lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, đặc biệt là khi con trưởng thành như khả năng tự chăm sóc bản thân, tự chuẩn bị được bữa ăn, dọn dẹp, sắp xếp. Thêm vào đó là kinh nghiệm về kỹ năng trong các mối quan hệ như giao tiếp rõ ràng, đàm phán, hợp tác và làm việc nhóm. Còn đối với mình ở thời điểm hiện tại thì việc cho Nhím tham gia làm việc nhà cùng ba mẹ là cách nhanh nhất để cả nhà có thêm thời gian bên nhau, vui chơi, đàn hát,… Vậy ở giai đoạn 2-3 tuổi, Nhím đã làm được những việc gì phụ giúp gia đình?

Dọn dẹp đồ chơi

Dọn dẹp đồ chơi vào đúng nơi quy định, mình có quy tắc rất rõ ràng với con là nếu con muốn chơi một trò mới thì phải cất và dọn đồ đang chơi vào hộp và đặt vào chỗ cũ. Và để làm được việc này thì mình đã áp dụng mô hình lớp học Montessori, đó là đồ chơi và dụng cụ học tập được đặt trên kệ thấp, phù hợp với chiều cao và tầm với của trẻ để thu hút sự chú ý và là một bước chuẩn bị vô cùng tốt để trẻ có thể tự lấy đồ chơi mình thích, nắm được và ghi nhớ vị trí của món đồ để có thể cất vào đúng chỗ. Việc một em bé 2 tuổi tự dọn đồ chơi là việc bất khả thi, chính vì vậy khi Nhím dọn đồ chơi thì mình luôn bên cạnh và cổ vũ kèm theo sự hỗ trợ chút đỉnh, mình cũng bỏ đồ vào đúng chỗ cùng với con nhưng với tốc độ ỐC SÊN. Thay vào đó mình khuyến khích con và hay đọc cùng con câu “thần chú” dọn dẹp mà mình dùng khi đi dạy học trò nhỏ đó là “Städa – Plocka – Lägg tillbak(a)” (Dọn dẹp – nhặt nhặt gom gom – để lại chỗ cũ nào!), rồi xem như đó là trò chơi giữa hai mẹ con. Với tốc độ ngày càng tăng của Nhím thì mình càng hát nhanh hơn nên cô nàng khoái chí lắm. Gần đây mình cũng bày cho con cách dọn dẹp nhanh hơn, thay vì dọn với tốc độ ỐC SÊN từng cái như mẹ thì mình có thể gom nhiều món đồ chơi cùng lúc, xếp những miếng xếp hình thành chồng rồi gom một lần cho nhanh.

Phụ ba mẹ dọn bàn ăn

Đó là, dọn đồ từ bàn ăn vào bếp để ba cho vào máy rửa chén. Mình thấy nếu mình làm việc này một mình thì buồn quá nên ráng “dụ” Nhím phụ mẹ bằng thái độ vô cùng tích cực, vui vẻ và không quạu. Vài lần đầu con có thể làm rớt cái muỗng hay làm đổ chút đồ ăn thừa ra sàn, tất nhiên mình phải kiềm chế dữ lắm, “nổi cáu lên thì lần sau ai phụ mình đây?!”, thế là mình cùng Nhím lấy khăn lau và mình thủ thỉ với nàng “nếu lần sau con bê bằng cả hai tay và không để đĩa bị nghiêng thì đồ sẽ không bị rớt ra ngoài đâu”. Rồi cho Nhím thêm cơ hội, và thật may khi con hiểu được lời tỉ tê của mẹ, đã bê đồ bằng cả hai tay một cách cẩn thận hơn nên không còn làm đổ đồ nhiều nữa.

Phụ mẹ việc bếp núc, nhà cửa

Đó là, phụ mẹ nấu ăn, trang trí nhà cửa. Với phương châm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình” nên mình thường giao cho Nhím những việc vừa sức như phụ mẹ lặt rau muống, bẻ ngắn những sợi mì Udon khô, quấy bột và trứng để làm bánh chuối cho bữa sáng, phụ mẹ cắm hoa trang trí nhà cửa mừng ngày của Mẹ,…

Phụ mẹ giặt đồ

Đó là, phụ mẹ cho đồ vào máy giặt và chuyển đồ từ máy giặt vào máy sấy. Mình đã làm đúng với những gì mình đọc được từ sách vở đó là “hãy đối xử với con bạn như một người lớn”, mình đã sắp xếp 2 cái ghế để Nhím cũng được ngồi giống y như mẹ, cô nàng vui lắm vì cũng được ngồi lên ghế như “ai kia”, rất ra gì và này nọ. Mình làm nhiệm vụ lấy đồ từ máy giặt và giũ từng chiếc quần, chiếc áo để không bị nhăn nhúm rồi đưa hai tay cho Nhím để con cho vào máy sấy. Nhím thấy mẹ cầm đồ bằng hai tay nên con cũng làm theo nên con không còn gặp rắc rối khi cho những món đồ dài vào máy như trước nữa. Mình còn khuyến khích con tự giặt đồ của mình bằng cách cho con được một mình bỏ đồ của con vào máy giặt. Do nàng mê Elsa nên mình đã kể ra một câu chuyện chế “Công chúa Elsa là một em bé tự lập, biết tự giặt đồ của mình và công chúa Elsa Nhím Nhím cũng vậy”. Không ngờ nàng thấy khoan khoái trong lòng và tích cực cho đồ của mình vào máy giặt thiệt luôn. Và công đoạn sau cùng là Nhím phụ mẹ cất đồ sạch của con vào tủ quần áo của mình. Mình cũng theo Montessori khi trang bị tủ quần áo cho con, vừa tầm với.

Để đồ đạc cá nhân đúng chỗ

Đó là, để giày dép và treo quần áo đúng chỗ của mình. Do Nhím còn bé nên mình cho con để giày dép ở ngay hành lang dưới sàn nhà và bày cho con cách xếp giày dép ngăn nắp kèm theo những móc treo đồ thấp để con có thể tự treo lên khi đi học về (vẫn là Montessori). Ngoài ra, mình cũng khuyến khích con tự mang hay cởi giày dép nhưng không ép con phải tự làm một mình mà luôn hỗ trợ khi con cần. Đến bây giờ Nhím chỉ mới mang được những đôi sandal không có dây kéo hay dây buộc, còn lại mẹ vẫn giúp con. Nhím cũng được giúp mẹ khi con mặc quần áo, đó là mẹ giúp con cho khoá kéo vào và giữ để con tự kéo lên đến cổ. Mình cũng bắt đầu hướng dẫn cho con nắm giữ vổ tay áo dài khi mặc áo khoác để ống tay áo bên trong không bị đùn vào cánh tay gây khó chịu khi con đi học. Hy vọng con sẽ sớm tự mặc được quần áo của mình vào một ngày không xa.

Tập tự đánh răng

Như mình từng chia sẻ trong bài viết Mẹo giúp trẻ yêu thích đánh răng, cả nhà mình thường đi đánh răng cùng nhau vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. tự đánh răng, ba mẹ làm mẫu. Tất nhiên sau cùng ba mẹ vẫn phải giúp Nhím đánh tổng kết lại lần cuối. Nhím có giai đoạn không thích cho ba mẹ đánh răng nên mình phải bày trò, mẹ sẽ giúp Nhím bắt con sâu răng, khi mình chải thì hỏi Nhím muốn mẹ bắt con sâu màu gì, thế là nàng suy nghĩ và lựa chọn màu mình muốn đây thích thú. Rồi mình này trò cho sâu rớt ra ngoài rồi cả nhà cùng “chụp chụp chụp”. Cũng may trí tưởng tượng của nàng cũng ổn nên cả nhà được dịp cười rôm rả. Sau cùng là mình chà lưỡi cho cô nàng và cùng đếm 1-10.

6. Trò đóng vai

Đây là trò giúp trẻ tăng trí tưởng tượng, phát triển EQ (chỉ số cảm xúc) và tăng khả năng ngôn ngữ khi giao tiếp đối với một em bé tuổi lên 2.

Hoá thân vào các nhân vật theo trí tưởng tượng của con

Đóng vai theo các nhân vật hoạt hình, các nhân vật trong sách, truyện hay bất cứ hình ảnh nào, miễn là con hiểu được chỉ là tưởng tượng. Nhím bắt nhịp khá nhanh với trò này thông qua vài lần chơi cùng mẹ. Khi Nhím lên 2, con mê bài hát “The ants and the grasshopper” trên YouTube và một lần mẹ cho con ăn, con đã nói “Mẹ làm kiến, Nhím làm châu chấu”. Lúc đó mình khá ngạc nhiên về sự liên tưởng của cô nàng, cũng hợp lý. Vì trong đoạn video, Châu chấu được Kiến mời ăn soup. Thế là mẹ được dịp làm Kiến chăm chỉ, Nhím làm Châu chấu đói bụng và được mời ăn ngon.

Elsa phiên bản lỗi

Làm bác sĩ

Nhím làm bác sĩ, đó cũng là một dịp tình cờ, khi cửa hàng Baby World gần nhà phá sản nên thanh lý đồ chơi giá thấp, mẹ được dịp cùng các dì bạn thân đi hốt đồ cho con và em. Trong đó có hộp đồ làm bác sĩ, trên bì thấy ghi 3 tuổi trở lên. Mẹ đem về định đợi con 3 tuổi rồi cho con chơi, nhưng vì con nhìn thích thú và xin mẹ mở nên mẹ đành miễn cưỡng mở cho con chơi. Mẹ giới thiệu cho con cách sử dụng ống nghe, nhiệt kế, ống tiêm, que đè lưỡi, hộp thuốc,… Và thật bất ngờ khi con đã có thể thực hành ngay với mẹ một cách rất thuần thục. Nhớ hôm đầu mẹ làm bệnh nhân cho con miết mệt quá nên đành “tính kế chuồn” bằng cách cổ vũ con lấy tất cả các bạn thú trong lều đồ chơi để khám bệnh cho các bạn, mà nàng làm thật, rất nhẹ nhàng với hơn 10 bạn thú. Tối đi ngủ con còn khám cho cả Elsa, cừu, cú mèo trên giường ngủ. Mẹ thực sự cũng ngưỡng mộ sự kiên nhẫn của con. Mẹ còn nhìn thấy ở con sự cảm thông và biểu hiện cảm xúc của con có chút lo lắng, có chút buồn và khẩn trương khi lấy thuốc cho các bạn uống. Điều mẹ làm sau cùng khi nói con kết thúc trò chơi là ôm con vào lòng vào cám ơn con vì đã biết quan tâm chăm sóc cho mẹ và các bạn. Mẹ thấy rất vui!

Làm thợ mộc

Nhím làm thợ mộc, đó cũng là hộp đồ chơi cho bé 3 tuổi, đối với Nhím cũng còn khá sớm và con chưa thể sử dụng được hết các dụng cụ trong hộp đồ nghề. Nhưng ba mẹ cũng muốn giới thiệu với con và cho con tập làm quen từ từ. Nhím đã bắt đầu sử dụng búa để đi gõ gõ vào 2 chiếc đinh nhỏ ở khung cửa phòng ăn. Bà ngoại và ba mẹ đã thực sự bất ngờ khi con làm như vậy là bởi vì ba Nhím cầm búa to đi đóng lại 2 cái đinh bị trồi lên lúc Nhím còn 1 tuổi, nhỏ xíu. Vậy mà tới 1,5 tuổi khi Nhím được cầm trên tay cái búa đồ chơi, con đã chạy lại đúng chỗ 2 cái đinh mà ba đã đóng nửa năm về trước. Giờ mình mới gật gù câu nói của các mẹ từng có con nhỏ “Trẻ con luôn đem đến cho bạn những bất ngờ”. Hiện tại Nhím đang trong giai đoạn nhìn và tập đọc tờ hướng dẫn để giúp ba mẹ lấy ra những món đồ cần thiết khi xếp một món đồ con chọn, cụ thể như ốc vít có đầu màu xanh – đỏ – vàng, thanh gỗ chữ nhật màu gỗ-đỏ-xanh lá hay bánh xe hình tròn màu đen,…

Nhím làm đầu bếp, bartender

Nàng đã có thể chơi đồ hàng cùng mẹ, rủ mẹ “mình đi picnic thôi” hoặc là “mẹ chơi với con”, chuẩn bị những món ăn đơn giản như trứng ốp la, bánh mì nướng, nước ép trái cây và cô nàng còn học mẹ cách cho thêm chút đường, chút nước, chút đá khi cô nàng thấy món đồ uống “hơi chua” trong tưởng tượng.

Nhím làm nhân viên chăm sóc thú

Bộ đồ chơi cho các bạn thú ăn các đồ ăn yêu thích của mình dành cho trẻ 0-3 tuổi trong Hộp háo hức đã giúp Nhím có cơ hội được trở thành nhân viên chăm sóc thú. Cũng nhờ trò này mà Nhím hiểu thêm về các loại thức ăn của các bạn thú khác nhau. Trong lúc chơi, Nhím còn tranh thủ trồng hoa từ các loại đồ ăn và đếm số lượng nữa.

7. Học từ và cụm từ mới

Theo như cuốn sách How the Brain works – hiểu về bộ não thì “Thời gian cụ thể để thông thạo một ngôn ngữ ở mỗi em bé có sự khác nhau, nhưng tất cả trẻ em đều phát triển qua các giai đoạn chính theo một thứ tự giống nhau – từ gù gù trong họng, bập bẹ tới nói những từ đầu tiên, và cuối cùng là thành câu đầy đủ”. Và khi học nói/ ngôn ngữ mới vào giai đoạn khoảng 18 tháng tuổi, trẻ có sự tăng mạnh mẽ về vốn từ vựng, khả năng học từ cũng tăng lên đến 40 từ một tuần. Hiện Nhím nhà mình đang ở giai đoạn tập nói câu đầy đủ nên tụi mình luôn hướng dẫn con nói nguyên câu khi con muốn điều gì. Ở giai đoạn này mình cũng tập trung nhiều hơn về việc nhấn mạnh cách biểu lộ và nói ra cảm xúc khác nhau thông qua các tình huống thực tế. Như khi hai mẹ con gặp chuyện gì đó rất vui, hài hước thì mình nói “vui quá”, “mắc cười quá”, hay khi con bị té, bị va vào đâu bị đau thì mình cùng con nói lên cảm xúc của con “đau quá đi” kèm theo những giải pháp “mình có thể xoa xoa” hay “mẹ giúp con thổi thổi cho đỡ đau nha”,… Và mình để ý chiều hôm qua, khi mình bị đau ở đùi thì Nhím đã chạy là và nói “Nhím thổi cho mẹ”.

Mình không ép Nhím học nói hay đề ra bất kì yêu cầu nào trong việc con phải biết tiếng Việt hay tiếng Thuỵ Điển. Vì mình nghĩ mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng khác nhau và phát triển theo những cột mốc khác nhau. Tất cả những gì mình làm là cho con thật nhiều thời gian chất lượng để giúp con có thể bày tỏ được những điều con muốn, biểu lộ được cảm xúc và những suy nghĩ của con để việc giao tiếp của con với mọi ngời xung quanh được dễ dàng hơn. Thực tế mình đã chứng kiến rất nhiều trường hợp trẻ con dễ nổi cáu, giận dữ, quăng đồ, vứt đồ, đánh bạn vì lý do các con chưa thể giao tiếp và chưa thể biểu đạt được suy nghĩ và mong muốn của con. Điều này sẽ dần được cải thiện khi các con bắt đầu giao tiếp được bằng lời.

Và quan trọng nhất, một điều mà mình luôn thủ thỉ với con mỗi buổi sáng và trước khi con chìm vào giấc ngủ đó là “mẹ thương Nhím Nhím của mẹ, mẹ yêu Nhím Nhim của mẹ, ba mẹ luôn bên con”.

8. Học và thực hành sự chia sẻ, chờ đợi

Tặng đồ chơi cho bạn nhỏ tuổi hơn

Việc thú vị đầu tiên mà nhà mình làm khi Nhím lên 2 tuổi đó là hỏi ý kiến con về việc tặng đồ chơi cho em bé Emma, con của một gia đình bạn thân, 10 tháng tuổi và Nhím đã gật đầu ngay. Thế là cả nhà soạn ra vài bộ đồ chơi như câu cá có cần câu bằng nam châm, trò chơi ghép gỗ vào khuôn và vài bộ trò chơi dành cho 1-2 tuổi của Hộp Háo Hức. Trong khi soạn, ba mẹ và Nhím đã giữ lại một vài món mà Nhím yêu thích, có những món đồ chơi dù bé nhỏ nhưng khi nhìn vào là cả bầu trời kí ức của ba mẹ và con. Sau đó, nhà mình và nhà bé Emma có một cuộc trao đổi đồ chơi, Nhím được quyền lựa chọn, con đã được đem về 4 món đồ chơi, trên đường về con háo hức lắm. Đúng như ông bà ta nói “cũ người mới ta”, việc trao đổi đồ chơi khá hay vì cả 2 bạn nhỏ đều có những món đồ chơi mới. Điều khiến mình thấy vui đó là Nhím sẵn sàng tặng cho Emma, mà không hề biết trước là con sẽ được nhận lại đồ chơi khác.

Xếp hàng, đợi tới lượt

Văn hoá xếp hàng ở Thuỵ Điển thì không chỗ nào chê nên Nhím cũng được rèn luyện nhiều khi đi học. Khi ở nhà, mình cũng hay tổ chức cho Nhím chơi trò chơi cùng bà và ba mẹ kiểu chơi boardgames trẻ em đơn giản để con hiểu thêm về việc đợi tới lượt và rèn luyện sự kiên nhẫn mà không mè nheo. Hàng tuần mình đều cố gắng đưa Nhím đi đến khu vui chơi trẻ em hoặc bảo tàng trẻ em của thành phố gần nhà, nơi mà con có thể thực hành văn hoá xếp hàng một cách thiết thực nhất. Việc xếp hàng cũng khá thú vị với Nhím vì mình để ý mỗi khi tới lượt nàng được leo lên cầu tuột và trượt vèo vèo nàng vui lắm và còn nói “Ines tur” – Tới lượt Nhím! Và tất nhiên, một bà mẹ thích ngồi nhìn con chơi cùng các bạn và không muốn can thiệp vào quá trình con học cách giao tiếp với thế giới thì chỉ làm một động tác nhỏ là giơ 2 ngón cái lên, nhìn con và cười để biểu đạt “Nhím làm tốt lắm”. Nhím cũng dần quen với hình thức giao tiếp này của hai mẹ con, nên mỗi lần trượt hay trèo và di chuyển từ tảng đá này sang tảng đá khác rồi nhảy cao Nhím đều cười với mẹ. Có lần mình thấy hàng đợi dài quá, mình gợi ý cho con “Sao Nhím không thử leo trèo lên mấy tảng đá từ thấp đến cao trong khi chờ đợi”, và cô nàng đã thử làm thiệt. Sau vài lần mình thấy Nhím tự chuyển qua chơi những trò khác ở khu vui chơi khi thấy hàng đợi quá dài. Nhưng nàng không quên để ý đến chiếc cầu tuột, nếu vắng một cái là nàng chạy lại hớn hở “Ines tur” – Tới lượt Nhím!.

Nhường đồ chơi cho bạn.

Bên cạnh việc chia sẻ cho con về việc đảm bảo “chủ quyền” về những món đồ con đang chơi và nếu bạn muốn chơi phải đợi tới lượt thì mình cũng tập cho con việc chia sẻ và nhường đồ của mình cho những người xung quanh. Người lớn không thể yêu cầu một em bé 1, 2 tuổi nhường đồ chơi cho bạn ngay khi được yêu cầu lần đầu tiên được mà theo mình, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc bé có muốn hay không và còn tuỳ vào món đồ đó là gì, nhường cho ai. Mình cũng luôn tôn trọng Nhím và không ép con phải làm nếu con không thích. Nhưng mình đã giúp Nhím hiểu được ý nghĩa của việc nhường, chia sẻ đồ và chơi cùng với những người xung quanh, đó là cả hai bên cùng vui.

Mình cho Nhím thực hành ngay tại nhà mỗi khi ngồi vào bàn ăn với phương châm mẹ học được từ bà nội Nhím “ăn đồng chia đủ”, đó là có món gì ăn cũng chia đều cho nhau và ăn chung thì vui hơn ăn một mình. Nhím cũng dần hiểu được thông điệp này và luôn muốn ăn sáng cùng ba mẹ. Con cũng tự chia cho ba mẹ những món tráng miệng yêu thích blueberries – quả việt quất, bánh chuối của mình mỗi khi ăn. Những lúc còn lại chỉ hai quả, con cũng suy nghĩ một giây rồi chia cho ba hoặc mẹ và cũng dành cho mình quả cuối cùng. Hôm sinh nhật, con được tặng một chiếc xe đạp màu hồng đúng như mong ước, con mê lắm và đòi ba đẩy đi khắp nhà. Khi các bạn tới chơi, mẹ buông nhẹ một câu “Con có thể cho anh Bắp ngồi xe được không? Sau đó tới Dâu, rồi lại tới Nhím”. Và khi nghe mẹ nói về việc chờ đợi tới lượt thì con đã đồng ý ngay và luôn, trong khi anh Bắp chơi thì Nhím còn nhắc, tới Dâu rồi sẽ tới Nhím. Thật may khi con biết chia sẻ cho bạn bè món đồ chơi mới tinh mà con cực mê. Và tất nhiên, sau khi các bạn ra về, mẹ đã không quên khen ngợi Nhím về hành động này của con và phần thưởng cho con là cái ôm, cái thơm lên má rồi một vòng ngồi xe đạp xung quanh nhà.

9. Rèn luyện tính tự lập

Giúp ba mẹ làm việc nhà là một trong những hoạt động giúp Nhím rèn luyện tính tự lập. Ngoài ra, khi vui chơi và tổ chức các hoạt động cùng con, mình luôn xem Nhím như một “người lớn”, trao cho con quyền được quyết định nhiều nhất có thể trong khuôn khổ cho phép. Như con được quyền lựa chọn những cuốn sách muốn đọc cùng mẹ (tất nhiên mình luôn chuẩn bị từ 4-5 cuốn mình muốn đọc cùng con theo tuần, theo tháng, nhưng Nhím vẫn được quyền lựa chọn trong những cuốn có sẵn), con được quyền tự đi giục tã vào thùng rác (vì mình nói với Nhím, những em bé lớn có thể tự đi giục tã của mình và tập cho Nhím tự bỏ rác vào thùng từ trước 1 tuổi), …

Đối với trẻ con ở Thuỵ Điển thì từ 1 tuổi trở đi khi các bé bắt đầu đi học mầm non đã bắt đầu học và luyện tập thói quen tự xúc đồ ăn vào mỗi bữa ăn. Nhím cũng không ngoại lệ, mình cũng tập thêm cho Nhím tự lau bàn bằng giấy khi làm đổ nước.

Một trong những cột mốc bất ngờ khi nàng lên 2 là nàng đã có thể dọn ra… ngủ riêng trên chiếc giường công chúa của mình. Với mình, đó là điều bất ngờ, vì trong suy nghĩ của mình, ngủ chung hay ngủ riêng không quan trọng, quan trọng nhất là con cảm thấy an toàn và say giấc nồng.

Chuyển kể rằng: Tình cờ một hôm mẹ cho con nghe bài “Let it go” trong phim Frozen và nói với con rằng Elsa là một cô công chúa rất xinh đẹp, dễ thương, hát hay và tự lập. Elsa còn biết chăm sóc, che chở và yêu thương em gái Anna của mình. Chẳng hiểu sao từ hôm đấy Nhím mê Elsa như điếu đổ. Mẹ được đà “bịa chuyện” về lời nhắn của Elsa cho Nhím những khi cần thiết như là “Elsa muốn gửi lời khen đến Nhím vì Nhím chăm chỉ đánh răng mỗi ngày”, “Elsa từ nhỏ đã ngủ riêng trên chiếc giường công chúa của mình, Nhím có tự lập được như Elsa không nhỉ?!”… Cùng với sự kiên nhẫn của ba Nhím, đã không bị lung lay khi mẹ Nhím nói “hay thôi cứ cho con ngủ trên giường cũng được”. (Vì mình cũng thích cảm giác ngủ cùng con, lâu lâu hít hà, ngắm con ngủ nên con muốn ngủ đâu cũng được. Lâu nay Nhím quen ngủ với bà ngoại nên việc luyện ngủ riêng mình thấy khó mà thực hiện ngay khi bà mới về). Sau một tuần không bỏ cuộc, vậy mà ba Nhím đã thành công. Và rồi hôm nay ngày các bạn thân đến chúc mừng sinh nhật con, sáng sớm ngủ dậy “công chúa Elsa đã gửi tặng cho công chúa Nhím Nhim một bộ đầm công chúa vô cùng dễ thương kèm theo chiếc nơ xinh xắn để chúc mừng một em bé ngoan, một em bé tự lập, đã tự mình đi ngủ trên chiếc giường của mình”. Thế là cô nàng Nhím Nhim đã rất vui sướng tỉnh ngay giấc nồng. Niềm vui nhân đôi, nhân ba à không nhân mười khi có nhà tài trợ tặng Nhím chiếc xe đạp màu hường nàng ước ao bấy lâu.

Trộm vía em tôi, mừng sinh nhật 2 tuổi bằng một cột mốc ngoài mong đợi. Dọn ra NGỦ riêng.

10. Rèn tính kiên nhẫn và sự tỉ mỉ

Từ khi có Nhím, bản thân mình cũng phải tự nhủ và rèn luyện sự kiên nhẫn trong mọi cử chỉ, hành động và hạn chế sự cáu gắt, cau có, khó chịu khi giao tiếp với con. Một trong những hoạt động mà mình đã cùng ba con Nhím thực hiện đó là xếp đá (thật ra là bằng gỗ) bằng bộ đồ chơi xếp thăng bằng đá (gỗ) Timu Ishi mà mình đã giới thiệu trong bài viết Ghép, xếp hình, xếp tháp cùng bé 1-2 tuổi.

Cả nhà thi xếp cùng nhau

Để con hình thành sự kiên nhẫn, tỉ mỉ thì bản thân mình cũng đã phải rèn luyện rất nhiều trong quá trình vui chơi cùng con. Hướng dẫn cho con tận tình, chi tiết và không bỏ cuộc. Cũng có những lúc con không thể làm được ngay một điều gì mới, mình cũng phải quyết tâm và kiên nhẫn cùng con thực hiện cho tới khi con tự biết cách làm. Không có điều gì là dễ dàng ở những lần đầu tiên kể cả người lớn lẫn trẻ em. Sau nhiều lần con chưa làm được thì mình cũng hiểu rằng con cần luyện tập thêm và mẹ sẽ giúp con, hỗ trợ, hướng dẫn con tới khi con nói “Nhím làm” (là câu của nàng khi con muốn tự thực hiện điều gì đó).

Gần đây, mình nhận thấy Nhím đã có thể tự ngồi chơi một trò nào đó khoảng 10-15 phút nếu đó là trò con thực sự thích nên mình thử giới thiệu cho con trò bôi hồ và dán hình lên giấy. Mục đích là để giúp con dần rèn luyện tính tỉ mỉ trong hành động. Và Nhím đã có thể tự dán thành một hình collage trong lúc ba mẹ ngồi ăn cơm.

Phần thưởng cho em bé ngoan là một cây kem màu hường

11. Vui chơi cùng các bạn

Nhím nhà mình là một em bé khá e dè với người lạ. Khi gặp người lạ Nhím thường dành thời gian quan sát nhiều hơn thay vì làm quen ngay và chơi cùng người mới gặp. Nhưng khi gặp người thân quen (thường xuyên gặp) thì Nhím cởi mở hơn và có thể chơi cùng. Mình cũng tôn trọng cá tính của con, con sẽ tự cảm nhận và quyết định khi nào con sẵn sàng giao tiếp với người khác. Cũng như khi gặp cô giáo dạy vẽ lần đầu tiên, chỉ sau một lúc là Nhím đã mê cô và cùng cô vui vẽ, ba mẹ được dịp “trốn con”.

Nhà mình thường cho Nhím gặp gỡ gia đình của những người bạn thân có con cùng và gần bằng Nhím để các con làm quen nhau. Nhím có thể chơi cùng với các cô chú và các bạn khi ba mẹ chuẩn bị đồ ăn trong bếp và dần dần không còn bám ba, bám mẹ như lần đầu mới gặp.

Nhím chơi đồ hàng cùng cô Simona và em Emma
Nhím và Emma đi chơi công viên

12. Ca hát, nhảy múa, vận động

Ba Nhím và mình đều mê đàn hát, dù hát không hay nhưng “hát hay không bằng hay hát” nên cũng hay đàn hát cùng với Nhím. Những lúc ba Nhím tập hát, luyện bài để đi hát cùng các cô chú trong VietBand Göteborg, Nhím thường chăm chú nghe và vỗ tay mỗi khi ba hát xong. Hôm đưa Nhím đi tham gia Hội chợ ẩm thực ba miền, ngồi nghe ba hát trên sân khấu, Nhím thích thú lắm, còn vỗ tay khí thế khi ba hát xong. Biết đâu đấy có ngày nàng lại song ca cùng ba. Về phần mình thì hát tuỳ hứng, mặc dù hát không hay nhưng cũng khiến Nhím bao phen cười nắc nẻ vì mình có thể lấy muỗng, nĩa hay bất cứ đồ vật nào để giả làm micro và hát đủ kiểu giọng dân ca, cải lương, thậm chí giả hát Opera “phiên bản lỗi” khi muốn giới thiệu một bài hát mới cho Nhím.

Ba mẹ đều là dân lười vận động nên thường chỉ đưa Nhím đi dạo gần nhà, đến các khu vui chơi, công viên, bảo tàng gần nhà vào cuối tuần để Nhím có nơi vui chơi. Dạo gần đây cô nàng mê đi xe đạp cùng ba khi đi học nên rất không thích ngồi xe nôi. Mỗi lần đi ra ngoài là nàng rất nhanh nhảu nói “Nhím đi bộ, tạm biệt xe nôi rối riết” để được đi bộ. Mình cũng ủng hộ thôi vì mai kia có em rồi thì nàng cũng nên tập đi bộ, nhường xe cho em. Nhưng có lúc chơi mệt quá, trên đường về nàng cũng mè nheo lắm, thế là ba mẹ nghĩ ra trò chơi vận động, đi tìm hình khối khác nhau và nhảy vào, nhảy ra vì trên đoạn đường về nhà có các nắp đường ống, nắp cống thoát nước mưa rất nhiều. Từ đó nàng đã siêng vận động và không còn mè nheo mỗi khi đi bộ về nhà.

Đây là hình ảnh hai ba con tìm được nắp bê tông hình chữ nhật và chuẩn bị nhảy qua nắp hình tròn

Mình cũng thấy có phần an tâm hơn khi quần áo của con ngày nào cũng lấm lem đất cát, có hôm cát đầy áo trong. Có hôm đi đón thấy Nhím chơi miệt mài ở hố cát, leo trèo lên chỗ trèo nhân tạo cho trẻ con trong sân trường. Thật may khi con cũng năng động khi ở trường, tự biết chơi và không mè nheo khóc nhè bên các cô mỗi ngày.

13. Vui chơi cùng màu sắc – học vẽ

Nhím đã được mẹ giới thiệu màu nước, cọ và giấy từ hồi 9 tháng tuổi, khi con đã ngồi vững. Màu mình dùng là màu thân thiện với trẻ nhỏ – fingerfärg, có thể dùng để vẽ bàn tay, bàn chân của trẻ để in lên giấy. Mặc dù loại này dành cho bé từ 2 tuổi nhưng mình vẫn sử dụng cho Nhím vì mục đích ban đầu chỉ là giới thiệu cho con, vui chơi cùng con nên mình cũng chú ý đến việc hướng dẫn con cọ và màu mình dùng để vẽ lên giấy, không phải dùng để cho vào miệng. Mỗi lần giới thiệu cho con mình cũng chỉ cho con làm quen từ 10-15 phút để con hiểu cách sử dụng cọ để vẽ lên giấy. Dần dần Nhím đã không còn cho vào miệng mà tập trung vào việc thử vẽ những nét vẽ theo khả năng của mình lên giấy. Thời gian vui chơi cùng màu sắc, cọ và giấy ngày một tăng lên và tới 1,5 tuổi con đã có thể tự cầm cọ nhúng vào màu để vẽ lên giấy những màu con lựa chọn. Nhím còn thích tự vẽ vào lòng bàn tay rồi in lên giấy.

Khi Nhím gần 2 tuổi, mình bắt đầu cho Nhím làm quen với bút sáp màu, phấn viết bảng đen để con có thể vẽ cùng bà hoặc ba mẹ mỗi khi con muốn. Ngoài ra, mình còn cho Nhím tập sử dụng bảng vẽ cho bé, loại có cây bút đầu nhọn. Thú vị nhất là lần đầu Nhím vẽ hình nhìn như 2 củ khoai và nói “Pappa dẫn Nhím đi chơi”. Đó cũng là khi mình nhận ra, con bắt đầu sử dụng trí tưởng tượng của mình để tự đặt tên cho các hình vẽ của mình.

Lần đầu Nhím vẽ người hình củ khoai

Hiện tại Nhím đã nhận biết được những màu sắc cơ bản, gọi tên từng màu và rất thích vẽ. Mình thực sự rất muốn con có cơ hội được học vẽ một cách bài bản nhưng khả năng vẽ của bản thân vô cùng hạn chế (thực tế là vẽ xấu lắm luôn) nên phải đi gõ cửa cô giáo dạy vẽ người Việt – cô Thư dễ thương, người đã chiếm trọn trái tim của Nhím chỉ sau một lúc ngồi cùng hộp màu nước, cọ và giấy. Khi mời cô đến nhà lần đầu để gặp Nhím, ba mẹ đã vui sướng như con vừa trúng tuyển vào trường học khi cô gật đầu nhận dạy Nhím. Thường ở Việt Nam, cô nhận các em bé từ 3,5 tuổi. May sao cô đồng ý nhận đệ tử Nhím. Mình cũng trao đổi rõ với cô về mong muốn của mình, đó là chỉ cần cô dành chút thời gian sang chơi cùng Nhím, giới thiệu cho con về màu sắc, vẽ những gì cơ bản, đơn giản theo khả năng của con. Điều quan trọng nhất, mình mong muốn đó là con cảm nhận được và dần hình thành tình yêu với bộ môn vẽ qua cô giáo, một người có tâm với nghề vô cùng tận (theo cảm nhận của riêng cá nhân mình).

Mình thực sự ấn tượng ngay từ buổi học chính thức đầu tiên. Cô đã chuẩn bị rất kỹ những hình ảnh đẹp mắt dành cho buổi học và giúp Nhím trải nghiệm một giờ đồng hồ mê mải. Mình và ba Nhím ngồi làm việc, lâu lâu nghe những âm thanh thú vị, những tiếng cười rôm rả của cả hai cô trò. Ngồi nghe thấy cô và trò cùng nhau đem bạn tranh đi tìm chỗ có nắng để phơi cho bạn nhanh khô, ôi mình chỉ muốn bé lại để được tham gia học vẽ cùng hai cô trò.

Tác phẩm đầu tay của Nhím

Mẹ sẽ viết tiếp những trải nghiệm thú vị cùng con trong những chặng đường tiếp theo…