Gần đây có một vài mẹ tâm sự với mình về việc các bé không thích đánh răng, không chịu đánh răng thậm chí nghe từ đánh răng là bỏ chạy. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về những mẹo mà mình đã áp dụng cho Nhím và mình thấy (trộm vía) có hiệu quả với con.

1. Tập đánh răng cho bé từ sớm

Thường thì thời điểm được khuyến khích cho bé tập đánh răng là khi bé có chiếc răng đầu tiên, vào khoảng 6 tháng tuổi. Nhím nhà mình thì mọc răng khá trễ, tầm 10 tháng rưỡi Nhím mới ló những chiếc răng đầu tiên, nhưng mình đã cùng Nhím chơi trò chơi tập đánh răng với bàn chải được BVC (Barnavårdscentral – trung tâm chăm sóc sức khỏe nhi) phát miễn phí lúc Nhím 6 tháng tuổi.

2. Kết hợp với âm nhạc

Đối với mình việc tập cho Nhím đánh răng cũng như cùng con chơi một trò chơi. Mình đã kết hợp việc chơi trò chơi đánh răng cùng con với âm nhạc. Cụ thể là mình cho Nhím nghe bài hát “Bé tập đánh răng” của chị Candy Ngọc Hà, hai mẹ con cùng học hát. Đến giờ đánh răng thì mình hát cho Nhím nghe, cho con nhìn vào gương và hướng dẫn con cách đánh răng. Nhím rất thích thú khi được cầm trên tay chiếc bàn chải và nhìn mình trong gương.

Sau vài tháng thì Nhím có vẻ không còn hứng thú với video clip này nữa, mình chuyển sang chế nhạc theo những bài hát Nhím đang yêu thích như “Borsta tänderna när du är riktigt glad” (Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì chải răng nha),…

Khi Nhím tầm 18 tháng, lúc này em có thể xem những đoạn clips ngắn và có vẻ tập trung được chi tiết nhỏ thì mình cho xem đoạn phim ngắn của Dadda và Doddo (2 bạn trong phim hoạt hình Babblarna ở Thuỵ Điển) cùng nhau đánh răng. Trong quá trình xem thì mình vừa khen 2 bạn đánh răng giỏi, vừa khen “Nhím cũng biết đánh răng rồi đó nha”.

3. Tạo thói quen hàng ngày và cho bé chủ động tham gia vào việc đánh răng

Nhím nhà mình đánh răng 2 lần/ 1 ngày, sau bữa sáng và tối trước giờ đọc sách đi ngủ. Thường mình chuẩn bị tâm lý cho Nhím bằng cách nói cho con biết lịch sinh hoạt tiếp theo là gì, ngay cả việc đánh răng “Bây giờ mình đi đánh răng nha”. Kết hợp với việc khuyến khích Nhím làm những việc mà Nhím có thể dựa vào khả năng của con, ví dụ như “Nhím chỉ cho mẹ phòng tắm ở đâu nào”, “Bàn chải của Nhím ở đâu ta?”, “Kem đánh răng nào của Nhím?” để giúp con cảm thấy vui mỗi khi đánh răng. Đây cũng là cách mình tập nói cùng với Nhím qua những hoạt động thường ngày.

Sau khi đánh răng xong Nhím còn được phụ mẹ tắt đèn và đóng cửa nhà tắm nên nàng thích thú lắm.

4. Kết hợp với hoạt động khác

Đã không ít lần mình nghe tiếng gọi í ới của ba Nhím khi đang đánh răng cùng con “Mamma!!!! Nhím không chịu đánh răng” rồi thì là “Nhím chỉ chịu cho mamma đánh răng thôi”. Đơn giản là vì ba Nhím không đủ kiên nhẫn.

Khi đánh răng với Nhím, mình thường hay kết hợp với những hoạt động khác ngoài âm nhạc. Ví dụ như là cùng Nhím xem những bức tranh gia đình treo ở sảnh, cho con xem lại bức tranh Nhím vẽ cùng ba lần đầu tiên có đôi bàn tay bé nhỏ của cô nàng rồi khen đôi bàn tay này biết đánh răng rồi đó,… Sau đó mới tiếp tục đánh răng cùng Nhím. Hoặc là cùng Nhím ngắm nhìn và gọi tên các đồ vật trong phòng tắm,…

5. Chú ý đến bàn chải của bé

Đầu tiên phải kể đến những ngày khó ở, lúc sốt mọc răng là giai đoạn trẻ sợ đánh răng nhất vì lúc này có thể xảy ra tình trạng nướu bị sưng. Ngay cả ăn uống trẻ cũng có thể lắc đầu. Những lúc như thế này thì việc thay bàn chải có lông mềm sẽ giúp bé thấy dễ chịu hơn. Có những hôm Nhím sốt cao, mình nghỉ đánh răng cho con một hai hôm và chỉ cho con uống nước để súc miệng, cũng chẳng nhằm nhò gì, vì mình không muốn đánh răng trở thành nỗi ám ảnh của con. Sau vài ngày, khi con ổn định trở lại thì hai mẹ con lại chơi trò đánh răng vui vẻ cùng nhau.

Ngoài ra, việc có một chiếc bàn chải xinh xinh, có hình ảnh dễ thương cũng là cái hay. Lần đi du lịch cùng Nhím ở Đan Mạch, nhà mình quên đem kem đánh răng nên khi đi mua kem cho Nhím thì phát hiện ra có chiếc bàn chải xinh có hình con cá và hình chim cánh cụt, mình hốt luôn. Kể từ đó, mỗi khi lấy bàn chải ra hay cất bàn chải đi mình đều hỏi Nhím “con cá ở đâu rồi nhỉ?” “chim cánh cụt đi đâu mất tiêu rồi ta?”,… rồi cho Nhím thơm bạn cá, thơm bạn chim cánh cụt và thơm bàn chải rồi nói cám ơn các bạn, chúc các bạn ngủ ngon trước khi rời khỏi nhà tắm. Việc cho Nhím thơm các món đồ chơi trong nhà và cám ơn từng điều nho nhỏ là vì mình muốn Nhím học cách bình tĩnh, nhẹ nhàng và biết trân trọng những điều xung quanh, cho dù là những điều nhỏ nhất. Chẳng biết tương lai sau này như thế nào, nhưng hiện tại Nhím rất thích ôm, thơm và vuốt ve vỗ về đồ chơi, gấu bông, mặc dù đôi lúc cũng phải nhắc nhở thêm là nhẹ tay thôi nào khi con hơi quá khích.

6. Chú ý đến kem đánh răng

Kem đánh răng cho trẻ con rất đa dạng cả về mẫu mã và mùi vị. Các mẹ có thể giúp bé thay đổi kem đánh răng để tìm ra vị kem mà bé thích hoặc đổi qua kem có hình ảnh nhân vật hoạt hình nào đó mà bé đang mê. Bạn bè mình có nhiều mẹ đã thành công nên đây cũng là cách hay và hợp lý.

Riêng nhà mình, theo tiêu chí “tăng xin giảm mua” nên tận dụng sạch sẽ mấy tuýp kem nha sĩ nhi phát miễn phí cho Nhím. Sau khi hết sạch tới mức phải mua thì mình không muốn đổi vì muốn tiết kiệm nên mình đành phải bày trò bằng cách kể chuyện cho Nhím để “lừa” ẻm. Kiểu như kem đánh răng này là do bạn Momo (nhân vật chú bé quả đào trong series Ehon Nhật nàng í mê) gửi tặng Nhím, bạn í muốn Nhím há miệng thật to “A a…” như ba con nhà sư tử lúc đánh răng, như thế mới DỄ THƯƠNG! Thế là nàng “sập bẫy” của bà mẹ “cheap”.

7. Ba mẹ làm gương cho bé

Nhím nhà mình cũng có giai đoạn không thích đánh răng và có những lúc ngậm miệng không chịu cho ai đánh. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng và Nhím nhà mình cũng không khác gì so với các bạn, cũng có lúc này lúc khác. Nhưng trẻ con thì thích bắt chước người lớn và sẽ làm theo khi thấy vui nên vợ chồng mình đành “song kiếm hợp bích”, đó là tạo thói quen “Cả nhà cùng đánh răng”. Kể từ đó, Nhím rất hào hứng mỗi khi đánh răng, nàng có thể chỉ ra bàn chải nào của ba, bàn chải nào của mẹ, cái nào của Nhím và phân biệt được kem đánh răng riêng. Nàng luôn cười tủm tỉm, thích chí khi tới giờ “tụ tập đánh răng”.

Như mình đã nói, việc đánh răng cùng con với mình như một trò chơi, trò chơi càng vui thì con càng hứng thú. Và để làm được cũng đòi hỏi ba mẹ có tâm lý thoải mái, kiên nhẫn và cả sự kiên trì trong mỗi lần đánh răng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *