Trước khi kể tên các cuốn sách mình đã lựa chọn để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, cây cỏ cho Nhím thì mình xin phép được dài dòng văn tự để kể về câu chuyện của mẹ con Nhím với cỏ cây.

Mình là một đứa mê cây cỏ hoa lá. Từ nhỏ đã cùng ông bà, bố mẹ chăm sóc vườn rau, bồn hoa trước nhà và tình yêu thiên nhiên trong mình đã được ươm mầm từ đó. Ông nội mình là bác sĩ đông y, rất am hiểu về cây cối và nhìn vào bất kì loại cây nào mọc ở quê ông cũng có thể nói về loài cây đó. Những loại cây có thể giúp chữa bệnh được trồng trong vườn nhà mình rất nhiều như cỏ mực, ngải cứu, xương sông,… Khi học cấp 1 mình và đám bạn thân trong xóm bắt đầu có trò chơi tự tạo vườn rau nhỏ của riêng mình để trồng loại cây, loại hoa mình thích và chăm sóc chúng mỗi ngày. Lúc đó mình có xin ông bà nội một miếng đất nhỏ xíu sau vườn, mình lấy cọc để rào lại 4 bề xung quanh, chỉ chừa 1 lối đi nhỏ để mình bước vào. Thế là mình bắt đầu xin bà một ít cành rau muống, một ít cành rau lang, một ít hoa mười giờ ở bồn hoa trước nhà rồi còn xin được hàng xóm một cây chuối cảnh bé xíu,… Nhớ lại những ngày tháng ấy, mình thực sự biết ơn vì luôn được người lớn ủng hộ và khuyến khích những ý tưởng tuổi thơ ngây.

Đến khi có Nhím, mình lại nổi “lòng tham” muốn con cũng yêu thiên nhiên, cây cỏ như mình. Mình bắt đầu thực hiện kế hoạch này khi Nhím bắt đầu biết bò và tập đi. Dù nhiều bạn bè và người quen cảnh báo là nên cất hết những chậu cây hoặc đặt lên cao, nếu không thì con sẽ phá đấy! Nhưng mình đã làm ngược lại, là vẫn đặt những chậu cây ở đúng vị trí của nó. Rồi cũng tới ngày Nhím chập chững tập đi và lân la đến chậu cây Oliu trong phòng ăn, và đương nhiên lần đầu tiên của một em bé mới chào đời 10 tháng tuổi bao giờ cũng sẽ là khám và phá đất nằm trong chậu cây. Mình chỉ đợi tới lúc này để thỏ thẻ tâm tình với con rằng “bạn đất để dành cho cây lớn, Nhím đừng đụng vào nha, vừa bẩn tay mà cây lại buồn” kèm với diễn tả cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể. Lần thứ hai, thứ ba Nhím vẫn muốn khám phá đất và mình lại lặp lại như cũ với gương mặt nghiêm hơn và tới lần thứ 4 Nhím đã không còn bới đất nữa.

Tiếp theo là câu chuyện về lá cây trong nhà, tất nhiên khi những chậu cây đặt dưới đất thì lá cây luôn nằm trong tầm với của nàng Nhím. Nàng ý đã bứt lá cây vài lần và mình cũng chỉ dặn nhẹ nhàng “Nhím đừng bứt lá làm cây đau nha”, “Mình làm gì với lá cây nhỉ? À mình có thể vuốt ve, vỗ về nhẹ nhàng cho cây vui nè” kèm theo hành động thực hành vuốt ve vỗ về cây rồi cho con làm thử và mình cũng không quên khen và cám ơn Nhím đã biết yêu thương cây cối trong nhà. Thời điểm đó mình kết hợp với việc chơi với các bạn thú bông cùng con và chỉ cho con thực hành vuốt ve, vỗ về, hôn hít và bày tỏ tình yêu thương với các bạn thú. Theo thời gian thì Nhím không còn bứt lá cây nữa. Và thế là từ 1 tuổi đến bây giờ Nhím sống chan hoà cùng các bạn cây, mà mẹ thì không cần phải di chuyển vị trí của các chậu cây đặt dưới sàn.

Đôi khi mình ngồi suy nghĩ, có khi mọi người sẽ có lúc thấy mẹ Nhím hơi “dị” vì không làm giống như những lời được cảnh báo. Như chuyện sợ con xé sách, bứt cây bới đất chẳng hạn. Bản thân mình cũng không hề biết trước điều gì sẽ xảy ra khi mình thử thách Nhím với suy nghĩ mình có thể đồng hành cùng con để giúp con hiểu và yêu sách thay vì xé, sống chan hoà cùng cây cảnh trong nhà thay vì bứt lá từ rất sớm. Giờ nghiệm lại mình nhận ra rằng việc chuẩn bị hành trang cho con rất quan trọng, như mình đã chỉ cho Nhím cách mình lật sách và trân trọng mỗi cuốn sách như thế nào từ khi con vừa chào đời, rồi từ từ cho con cơ hội được thực hành lật sách dưới sự hướng dẫn nhẹ nhàng của mẹ. Cũng nhờ những bước chuẩn bị sớm mà mình rèn luyện tính kiên nhẫn của một người lần đầu làm mẹ. Nó cũng giúp mình tập tính bình tĩnh, tập trò chuyện nhẹ nhàng với con và hình thành thói quen chấp nhận lỗi sai của con khi con chưa hiểu đúng-sai là gì, tập giải thích rõ ràng, nhẹ nhàng với từ ngữ đơn giản phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Nhím và giúp cho con có thể đối diện với tất cả mọi thứ có thể xảy ra trong cuộc sống. Dù đúng, dù sai thì mẹ vẫn luôn ở bên con và đồng hành cùng con.

Quay lại những cuốn sách mẹ con mình đã cùng đọc về thiên nhiên, cây cỏ. Riêng dòng sách này mình lựa chọn những cuốn sách có tính tương tác sáng tạo cao để Nhím thêm thích thú khi được khám phá những điều mới mẻ.

1. Cuốn sách tương tác sáng tạo Gõ nhẹ vào thân cây kì diệu

Cuốn sách Gõ nhẹ vào thân cây kì diệu này rất nhẹ nhàng để bé có thể gõ nhẹ vào thân cây, xoa xoa cho cây ấm lên,… để xem điều kì diệu gì sẽ xảy đến với cây vào mỗi mùa trong năm. Nhím nhà mình rất vui và thích thú khi tới trang bạn chim làm tổ, đẻ trứng và rồi… chim non nở ra và từ đó có mẹ và có con.

2. Cuốn sách song ngữ lật mở khám phá Trong rừng có gì nào

Cả hai mẹ con mình đều mê cuốn sách Trong rừng có gì nào vì hình ảnh rất đẹp, sinh động, rõ ràng, chất giấy dày và thiết kế sáng tạo đã khiến Nhím rất hồi hộp lẫn háo hức mỗi khi tự lật mở để khám phá những điều liên quan đến cây, hoa, những bạn động vật sống trong rừng. Mình đã vui như mở cờ trong bụng khi Nhím lần đầu có thể nói “chuồn chuồn” khi đọc tới trang có các bạn chuồn chuồn bay lượn tung tăng. Lúc đó Nhím 18 tháng. Tuy sách thích hợp cho bé từ 3 tuổi nhưng mình đã “hack” bằng cách cho Nhím xem hình và đọc những nội dung khá đơn giản như gọi tên, mô tả màu sắc, hình dạng,… từ khi Nhím hơn 1 tuổi.

3. Lá của cô Mai Đậu Hũ

Hè 2022 là một mùa hè mong đợi của cả đại gia đình sau đại dịch Covid, và cũng là dịp mẹ mong chờ được cầm trên tay cuốn sách Lá của cô Mai Đậu Hũ, bạn mẹ từ thời sinh viên. Lại còn được cô tặng kèm một tấm thiệp HandMade từ những vật liệu từ thiên nhiên siêu cưng. Hai chị em biết nhau từ thời còn hoạt động Đoàn – Đội ở trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. Hồ Chí Mình. Ra trường rồi hai chị em giữ liên lạc qua Facebook và vô tình kết nối với nhau nhờ vào tình yêu dành cho thiên nhiên.

LÁ là một bạn nhỏ ba tuổi, cái tuổi thích khám phá và đầy tò mò về thế giới xung quanh về cây rau, chiếc lá cho đến những điều xung quanh cuộc sống thường ngày như “Tại sao ông trăng biết chạy?”, “Tại sao lại có ông mặt trời”, “Tại sao bựng ba to thế?”,… Với hơn 30 bài thơ cô Mai Đậu Hũ đã trả lời những câu hỏi của bạn Lá đầy ngộ nghĩnh, thật đáng yêu qua lăng kính của tâm hồn bạn lá tuổi lên ba.

Còn tiếp…

3 Replies to “Những bộ sách thiếu nhi 0-6 tuổi trong tủ sách nhà Nhím (Phần 3)”

  1. Howdy, i read your blog from time to time and i own a similar one and i was just curious if you get a lot of spam feedback?
    If so how do you reduce it, any plugin or anything you can suggest?
    I get so much lately it’s driving me mad so any support is very much
    appreciated.

  2. Wow, incredible blog structure! How lengthy have
    you been blogging for? you made running a blog glance easy.
    The overall look of your web site is excellent, let alone the content!

Comments are closed.