Nhím nhà mình luôn nhận được lời cảm ơn rất tha thiết từ mình mỗi khi con giúp mẹ làm được một điều gì đó dù là rất nhỏ. Mình luôn đề cao những hành động biết quan tâm giúp đỡ mẹ của con bằng cách nhìn vào mắt con trìu mến, nói rất rõ ràng cùng nụ cười tươi rói “Mẹ cám ơn Nhím vì Nhím đã phụ mẹ làm việc A, B, C… nha!”, “mẹ cảm thấy rất vui”, “Nhím của mẹ nay đã lớn thật rồi!”. Sau đó là ôm và hôn nàng chụt chụt. Cũng vì lẽ đó mà dần dần Nhím hình thành thói quen thích đề nghị giúp đỡ mẹ “Nhím phụ mẹ…”. Sáng nay, nhân một buổi sáng cuối tuần, Nhím đã tự đề nghị “Nhím phụ mẹ” khi mình định nhặt rau muống. Đương nhiên mẹ không thể nào từ chối và mình đã nảy ra ý định giao cho Nhím nhiệm vụ vừa sức, phù hợp với khả năng của một cô bé tuổi lên 2. Đó là PHÂN LOẠI RAU muống.
Ba Nhím yêu cầu món rau muống xào tỏi, còn mình thì thích rau muống luộc chấm tương. Thế là mình nghĩ ra việc phân loại cọng rau muống và lá rau muống, đó cũng là một nhiệm vụ phù hợp với “trợ tá” nhỏ tuổi. Mình biến nó thành trò chơi và bắt đầu đặt câu hỏi “Cọng rau muống mình để rổ nào ta?”, “Lá rau muống thì để đâu ha?”. Đương nhiên, việc khởi đầu bất kì thử thách, trò chơi nào bằng những câu hỏi vừa sức cũng cuốn hút và thế là nàng háo hức “Cọng rau muống để ở đây”, “Lá rau muống để ở đây”. Theo sau là lời cám ơn của mẹ vì Nhím giúp mẹ phân loại đúng ý rồi.

Trò chơi và thử thách phải được làm mới bằng nội dung liên tục thì mới mong giữ chân được cô trợ tá tí hon. Nên mẹ đổi qua nhờ Nhím đếm giúp mẹ xem mỗi cây rau muống dài thì ngắt ra được bao nhiêu đoạn. “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” đúng trong trường hợp này luôn vì bó rau muống mẹ mua có chiều dài khủng, bỏ tủ lạnh mà còn phải gập một phần mới đủ chỗ. Thế là nàng đếm tiếng Việt, rồi đếm tiếng Thuỵ Điển đủ kiểu. Miệng cười hí hửng và liên tục giục mẹ “nữa, nữa,…” khi mẹ nhặt xong một cọng.
Đếm miết cũng chán chớ, thật ra là mẹ thấy trò này chán quá nên đổi qua trò khác. Khi ngắt lá đi thì những cọng rau muống có nhiều hình dáng khác nhau, mình đưa một cọng lên và hỏi Nhím “Đố con cọng rau này nhìn giống chữ cái gì?” -“Chữ Y dài” (chữ yêu thích của nàng trong bảng chữ cái tiếng Việt). Rồi được dịp hai mẹ con bắt đầu “sáng tạo” ra nhiều thứ khác như “con khỉ đu dây”, “con búp bê đi bằng hai chân”,… Nhím còn khoe “Số 1”. Nhím làm mình phải gật dù đúng là trẻ con có “100 ngôn ngữ” (Reggio Emilia).




Trong quá trình giúp mẹ phân loại rau, cứ một lúc là Nhím lại dừng lại, bê rổ chứa cọng rau muống và thốt lên “Titta! Vad många!” – Nhìn nè, nhiều ghê! với nụ cười vui sướng. Và sau cùng thì nàng được mẹ khuyến khích chơi trò xây tháp cao với mấy cọng rau muống.
Chỉ với một bịch rau muống mà hai mẹ con cùng nhau chơi cả buổi. Nàng hăng say, háo hức và thích thú khi được mẹ cho làm việc nhà phụ mẹ. Còn người vui nhất là mẹ, vì đã bình tĩnh cho con được tham gia cùng thay vì nhờ ba trông con hộ hay sợ con phá phách làm hư rau của mẹ. Thời gian con làm quen với thế giới mới cũng chính là khoảng thời gian mẹ học cách làm Mẹ, có khi đúng, có khi sai. Nhưng sau tất cả điều tuyệt vời nhất là những niềm vui khi ta bên nhau con nhỉ.
Tham khảo thêm về những lợi ích từ việc trẻ tham gia làm việc nhà từ nhỏ tại đây. Mẹ chẳng kì vọng gì nhiều và cũng chẳng dám mong sau này con lớn con sẽ làm được điều gì to tát. Mẹ chỉ mong con tự biết chăm sóc bản thân, tự mình lo được những bữa cơm ngon và sống thật vui vẻ hạnh phúc theo cách mà con mong muốn.