Vợ chồng mình bắt đầu đọc sách cho Nhím từ những ngày mình còn thai nghén. Việc đọc sách ở thời điểm đó là để cả hai cùng thư giãn, gắn kết với nhau hơn và dần tập làm quen với cuộc sống có thêm thành viên mới. Trong những phút giây đọc sách cùng nhau, tụi mình tập gọi “con” và xưng hô với con bằng “ba”, “mẹ”. Mình tin là việc đầu óc mẹ cảm thấy thoải mái, thấy vui và hạnh phúc khi được ba đọc sách cho hai mẹ con nghe cũng giúp cho thai nhi phát triển theo chiều hướng tích cực.
Lúc mình vừa có bầu, bạn của hai vợ chồng là bác sĩ ở Việt Nam đã gửi cho mình cuốn sách “Hành trình thai giáo 280 ngày”. Sau khi đọc cuốn sách này xong mình thấy khá thú vị khi cuốn sách gợi ý cho bạn hành trình thai giáo mỗi ngày từ hoạt động, ăn uống, nghe nhạc, đọc sách, đọc thơ gì để tốt cho sự phát triển của thai nhi,… Gia đình mình không rập khuôn nhưng cũng đã thai giáo bằng cách lựa chọn những cuốn sách, những bản nhạc phù hợp mà tụi mình cùng thích để đọc và nghe cùng con. Lúc đó, mình ngồi ngẫm nghĩ lại thì thấy những bài hát ru từ thuở bé mà ông bà, bố mẹ mình hát cho ba chị em mình, rồi cho các em họ, các cháu mình thực sự đã đi theo mình cùng năm tháng. Và mỗi khi nghe lại những bài hát ru hay ngân nga hát những bài này thì lòng mình cảm thấy rất bình yên khi những hình ảnh về ký ức tuổi thơ đẹp đẽ hiện ra như mới đây thôi. Nên mình tin chắc việc đọc sách, hát những bài hát hai vợ chồng mình yêu thích và nghe những bản nhạc hay cũng phần nào giúp ích cho cả mẹ và con.
Cũng trong quá trình mang thai, mình đã tìm hiểu về các loại sách phù hợp cho trẻ sơ sinh và mình đã chọn 2 loại sách, đó là E-hon của Nhật và sách vải trắng đen. Nhờ tìm hiểu mà mình mới biết khi mới sinh cho tới 9 tháng tuổi, mắt bé chỉ nhìn thấy hình ảnh rất mờ, chỉ nhận biết được rõ màu trắng và đen và những màu có tính tương phản cao, đọc sách nên cách mắt bé trong phạm vi 20-38cm.
Mình đã đặt mua bộ sách vải trắng đen trên Amazon, có thể cầm đọc hoặc treo lên tuỳ mục đích sử dụng. Ngoài ra, bộ sách này có nhiều cuốn và mỗi cuốn có chủ đề riêng như bảng chữ cái, phương tiện giao thông, hình dạng, con vật, trái cây rau củ,… kết hợp âm thanh sột soạt khi chạm vào mỗi trang sách. Nhím nhà mình thích mê. Ở Việt Nam thì các mẹ tha hồ lựa chọn đủ loại trên Shopee.
Nhím có thể tự nằm ngắm những hình ảnh trong sách một lúc. Bộ sách này mình đã tặng cho con của bạn, nghe bạn mình kể là bé nhà bạn mình 2 tháng cũng có thể nằm ngắm và thích nghe ba mẹ đọc bộ này. Hôm Nhím sang thăm em bé, nhìn thấy mấy cuốn sách này Nhím đã đòi mẹ đọc cho ngay.
Cuốn sách vải tiếp theo mà Nhím nhà mình cũng rất mê đó là cuốn sách một mặt có các hình ảnh trắng đen, mặt còn lại cũng các hình ảnh tương tự nhưng với các màu sắc tương phản kèm một chiếc gương soi.
Sách Ehon là một trong những người bạn rất thân của Nhím từ lúc mới sinh. Lúc Nhím hơn 1 tuổi đã có thể lựa chọn được cuốn nào mình yêu thích và đưa cho bà hoặc ba mẹ đọc mỗi tối trước khi đi ngủ.
Dù bận đến mấy mình cũng cố gắng duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày cùng con trước giờ đi ngủ. Cũng nhờ vậy mà Nhím nhà mình sau khi đánh răng xong, mình chỉ cần nói “Bây giờ mẹ con mình đọc sách rồi đi ngủ nha” là con tự động tới kệ sách và lựa một cuốn con thích nhất đưa cho mình. Có những hôm, nàng đòi đọc đi đọc lại một cuốn rất nhiều lần và cũng có những hôm mình đọc cả chục cuốn Ehon cho nàng mà nàng vẫn chưa chịu đi ngủ và cứ đòi đọc thêm vì mẹ tạo điều kiện cho em tương tác hết mức khi đọc cùng nhau.
Theo cá nhân mình, hình thành thói quen và duy trì được việc đọc sách cùng con phụ thuộc rất nhiều vào tâm thế của người đọc (người lớn). Vì khi bạn tập trung và thả hồn vào cuốn sách thì giọng đọc của bạn và sự sáng tạo trong việc truyền tải nội dung của cuốn sách cũng nhờ vậy mà được tối ưu hoá. Một số lưu ý khi chọn và đọc sách cho con mà mình đã đúc kết được, đó là:
1. Lựa chọn sách phù hợp lứa tuổi
Ở giai đoạn 0-3 tuổi, các con sẽ thích những trang sách có hình vẽ to, rõ ràng, ít chữ và hình ảnh phải sinh động, chi tiết đơn giản. Mình lựa cho Nhím dòng sách Ehon của Nhật Bản và các dòng sách Đọc to cùng cả nhà của LionBooks, Crabit, NXB Dân Trí,… cho các bé 0-6 tuổi.
Mình là bà mẹ mê và yêu nước Nhật từ thuở bé nên khi tìm hiểu về dòng sách cho trẻ sơ sinh và tác dụng tuyệt vời của Ehon thì mình đã lựa chọn ngay mà không hề đắn đo gì cả. Và thật may mắn là Nhím cũng mê dòng sách này sau khi được mẹ giới thiệu, đọc và tương tác cùng nhau. Nhưng cũng có mẹ nói với mình rằng con của bạn ý không thích Ehon, chính vì vậy việc lựa chọn sách phù hợp với con của chính bạn là việc bạn nên đặt lên hàng đầu. Không nhất thiết phải là sách mà con của nhiều người khác thích mà nó phải là sách con của bạn thích.
Một điều mình nhận ra sau gần 2 năm đọc sách cho con, đó là đừng thấy nản khi con không có hứng thú với cuốn sách mới nào đó. Con có thể không thích ở thời điểm bạn giới thiệu cuốn sách, nhưng hãy kiên nhẫn đợi và giới thiệu cho con vào lúc khác. Ví dụ như bộ Ehon Ai ở sau lưng bạn thế, mãi cho đến tầm 16 tháng tuổi Nhím mới bắt đầu thích đọc.
2. Lựa chọn thời điểm thích hợp để đọc cùng con
Việc hình thành thói quen đọc sách cho con là do mong muốn của ba mẹ, nhưng vì những lợi ích về sau khi con lớn nên việc này hoàn toàn hợp lý và chẳng có gì đáng trách. Nhưng các ba mẹ đừng vì sức ép của bản thân là phải bắt con đọc sách mà tự gây áp lực cho con và bản thân bạn cũng sẽ không thoải mái khi đọc cùng con.
Lúc mới sinh Nhím mình đã cùng con xem tranh đen trắng và những hình ảnh to, rõ và có độ tương phản cao. Mình chỉ xem cùng con trong thời gian ngắn, kết hợp với việc hát những bài hát thiếu nhi cả tiếng Việt và tiếng Thuỵ Điển liên quan tới nội dung bức hình. Dần dần, khi con lớn, mình bắt đầu đọc cho con thêm nội dung nhưng rất dè dặt và chủ yếu kết hợp với việc mô tả màu sắc, âm thanh đơn giản để tạo hứng thú cho con khi đọc. Mình cũng không ép con đọc nếu con có dấu hiệu muốn “chuyển kênh”, bởi vì mình không muốn việc đọc sách trở thành nỗi ám ảnh cho con mỗi khi con nhìn thấy cuốn sách.
3. Biến tấu nội dung để sách thêm hấp dẫn, sinh động
Khi Nhím lớn hơn một chút, từ khoảng 1 tuổi mình bắt đầu biến tấu nội dung những cuốn sách nhiều chữ thành ít chữ và các nhân vật xinh xinh trong hình biến thành em bé tên Nhím (thay vì bé Bỏng hay em bé Na) và các nhân vật khác trở thành ông bà, ba mẹ, cậu mợ của Nhím (như trong cuốn Đúng là Tết) để giúp con thấy gần gũi và thêm yêu mỗi cuốn sách. Sau một thời gian em bắt đầu mê và đòi chỉ tới chỉ lui những hình ảnh em bé Nhím trong tà áo dài mới tinh tươm sáng mùng một tết, hay em bé Nhím bận những bộ đồ xinh xẻo để du lịch cùng ba mẹ đến Huế, đi Hội An thì mình mới len lén đọc những dòng thơ in trên mỗi trang sách.
Mình có rất nhiều bạn bè, có thể gọi họ là các siêu sao trong việc đọc sách, kể chuyện cùng con. Như mẹ của em bé Nếp, mẹ của Tèo Tép hay mẹ của anh chàng Tí Tũn. Các bạn còn ở độ tuổi mầm non cấp 1 mà đã siêu mê thích đọc sách và anh chàng Tí Tũn còn được mẹ dạy Tiếng Việt cho từ bé và hiện tại đã “dụ dỗ” thành công để đưa em vào con đường đam mê đọc sách Harry Potter. Thực sự rất đáng để mình học tập bởi sự kiên trì và khả năng biến nội dung sách thêm hấp dẫn, sinh động qua cách đọc và kể.
4. Tương tác hai chiều khi đọc sách, cho trẻ làm chủ và người lớn chỉ cần dẫn dắt
Mình thích có những hoạt động tương tác với con khi đọc sách hơn thay vì chỉ đọc chay một cách thụ động, dễ gây nhàm chán. Khi Nhím có dấu hiệu đến giai đoạn con có thể nhớ, hiểu được câu hỏi của người lớn nhứ “Con khỉ ở đâu nhỉ?”, “Cây nấm ở đâu ta?”, “Mặt trăng đâu rồi nhỉ”,… thì mình bắt đầu cho em làm chủ nội dung mỗi trang sách. Đặt câu hỏi để cho con chỉ vào những nhân vật, hình ảnh có trong sách yêu thích của con, cho con tự lật mở những trang sách tiếp theo để tìm câu trả lời cho trang đang đọc,… Những lần đầu, mình để con thoải mái chỉ vào theo đúng suy nghĩ của con. Nếu con chỉ sai hình thì mình nhẹ nhàng nói lại “À đây là bạn khỉ, khỉ khỉ khỉ nha Nhím ơi” và vui cười với con. Tuyệt đối không la mắng con hay tỏ ra thất vọng tràn trề khi con chỉ sai. Qua việc này, mình nhận thấy Nhím rất thích được tham gia cùng đọc sách với người lớn và khi em nghe cụm từ “đúng rồi”, “nhím nhớ hay quá”, “nhím có trí nhớ tốt ghê” thì em đã cười rất vui sướng. Và khi Nhím có chỉ sai thì cũng không hề hấn gì, vì người lớn còn nhiều lúc nói sai, nói trật nữa mà.
Sau khi con đã có thể tương tác đọc sách cùng người lớn rồi thì bước tiếp theo là gì nhỉ?
Đó chính là giúp con có thêm vốn từ vựng mô tả về nhân vật, hình ảnh trong cuốn sách mà con yêu thích. Ví dụ thay vì hỏi “Con khỉ ở đâu rồi nhỉ” thì mình sẽ hỏi “Con khỉ màu nâu ở đâu rồi nhỉ?” hay “cây nấm màu đỏ ở đâu rồi ta?”. Và việc này giúp con có thêm vốn từ về màu sắc. Cuốn sách mình đang nhắc tới là cuốn Ehon Rừng ơi ngủ ngon mà mẹ con mình đã đọc với nhau từ khi Nhím mới sinh.
Hiện tại, Nhím 1 tuổi rưỡi và đã có thể phân biệt được các màu sắc cơ bản như xanh lá, xanh biển, tím, vàng, đỏ, cam, hồng nhờ vào việc đọc sách và các trò chơi liên quan đến màu sắc. Đôi phen khiến cả nhà cười bò vì những hành động đáng yêu của một em bé như tự lựa một cuốn sách mình thích, ngồi tự lật sách, chỉ chỉ chỗ này chỗ nọ và bắt đầu đọc một tràng. Nhìn thì như kiểu thông thái lắm, nhưng kì tình cả nhà không ai hiểu em đọc gì. Chỉ nhìn nhau cười khoái chí.
Bộ sách góp phần giúp Nhím nhận diện màu sắc từ sớm là bộ 4 cuốn Một ngày của bạch tuộc, Bữa tiệc sắc màu của thú trắng, Có gì trong quả trứng và Ơ!!! Tắc kè là nhà ảo thuật. Các mẹ có thể tham khảo thêm Full bộ Ehon thông minh, sáng tạo cho bé 0-6 tuổi.
5. Hãy kiên nhẫn “chiều” con
Khi thói quen đọc sách dần dần hình thành trong gia đình bạn thì sẽ có những tình huống xảy ra như con muốn đọc đi đọc lại một trang sách, một cuốn sách. Điều này nói lên rằng con đang rất mê trang sách, cuốn sách và muốn mẹ đọc cho con. Vậy thì tội gì không chiều con nhỉ?!
Nhớ có thời điểm Nhím nhà mình mê trang sách có bài thơ Mây trong cuốn Đồng dao thơ truyện cho bé tập nói. Lúc đó Nhím 18 tháng, Nhím chỉ đòi đọc đúng trang này vì có hình ảnh 1 đám mây cười vui vẻ và 1 đám mây đang khóc sướt mướt vì nhớ mẹ. Thế là cả nhà mình cứ chiều theo ý con lật đúng mỗi trang này và cho Nhím tương tác siêu tích cực với bạn Mây, nào là chỉ bạn mây ở đâu này, bạn mây nào đang khóc – khóc như thế nào nhỉ? bạn mây nào đang cười – cười như thế nào nhỉ? rồi đọc tới đọc lui đoạn thơ:
“Là con của nước
Đi học trên trời
Bỗng dưng nhớ mẹ
Liền rơi rơi rơi”
Thế là nàng Nhím được dịp “diễn” khóc, cười đủ kiểu rồi tập đọc thơ và đọc theo bà và ba mẹ, chỉ sau một hai ngày nàng ý đã nhớ các chữ cuối của 4 câu thơ và cười thích chí khi được đọc 3 chữ “rơi rơi rơi”. Đọc sách vui thế còn gì!!!
Đối với mình việc đọc hết một cuốn sách cho con không quan trọng bằng quá trình đọc và truyền cảm hứng đọc sách cho con. Ngay cả người lớn, như mình, đọc sách cũng hay lựa chọn những cuốn sách theo sở thích và có hôm cũng chỉ đọc được vài trang là ngưng.
Cũng vì có những suy nghĩ này nên mình khá “nuông chiều” Nhím trong việc đọc sách và có thể đọc đi đọc lại tới khi nào con thấy đủ thì thôi.
6. Ba mẹ nên làm gương cho con
Thật may khi chồng mình rất mê đọc sách, mỗi lần đi công tác hay có thời gian đi nhà sách về là hay vác về những cuốn khá nặng cân và tốn chỗ trên kệ sách. Xứng đáng làm gương cho con.
Còn thú thật bản thân mình chỉ duy trì thói quen đọc sách thường xuyên mấy năm gần đây, khi công việc và cuộc sống ở xứ người tạm ổn định. Không dám nhận là tấm gương đọc sách cho con nhưng mình rất siêng và sẵn sàng đọc sách cùng con mọi lúc, mọi nơi nên cũng tạm chấp nhận được.
7. Thể hiện tình yêu với sách và tạo ra không gian đọc sách riêng trong nhà
Xưa khi yêu nhau tụi mình đã mong ước có một ngôi nhà và những đứa trẻ và trong ngôi nhà sẽ có một tủ sách. Hiện tại, tụi mình đã có một căn hộ nhỏ và một chiếc kệ sách be bé để trưng những cuốn sách yêu thích của cả gia đình. Riêng sách của Nhím được đặt ở kệ thấp nhất vừa tầm với của con để con có thể tự chọn và lấy được sách con muốn đọc. Ngoài ra, mình cũng đặt sách ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà như ở kệ đồ chơi, gầm tủ nhỏ cạnh giường ngủ. Trong lều khu vui chơi riêng của Nhím mình cũng để một giỏ xách nhỏ, bên trong là những cuốn sách bìa cứng be bé mà Nhím được bác hai Trang tặng hồi về Việt Nam và kèm theo vài cuốn sách tiếng Thuỵ Điển cho trẻ sơ sinh chỉ có hình ảnh, rất ít chữ. Và mình quan sát thấy, khi chơi một mình Nhím thường hay cầm sách lên, tự lật và xem hình, chứ mình chẳng ép.
Mình đã nghe nhiều mẹ bảo là “rồi sẽ tới giai đoạn con xé sách, cuốn nào cũng nát” và mình cũng đã chứng kiến nhiều cảnh xé sách của trẻ trong vô thức ở nơi làm việc. Chuyện này cũng không có gì quá kinh khủng khi các con còn quá bé. Nhưng cả hai vợ chồng mình đều rất yêu sách và từ thời đi học luôn bảo quản sách cẩn thận và không viết hay ghi chú trực tiếp lên cuốn sách nào. Vì thế mình muốn thử với Nhím xem liệu con có thể yêu sách và không xé nát sách khi con còn bé được không. Cách mình làm từ khi mới sinh Nhím là mỗi khi đọc sách, mình đều nói lời cám ơn mỗi cuốn sách sau khi đọc xong, mình vuốt ve vỗ về từng cuốn và nói với Nhím rằng “sách là người bạn rất đáng quý, rất dễ thương giúp mình khám phá thế giới xung quanh nên mình phải trân trọng bạn, vuốt ve vỗ về bạn nha”, “khi lật sách mình phải nhẹ nhàng thế này này”, “Nhím lật trang này nhẹ nhàng cho mẹ xem nào”. Và trộm vía Nhím nhà mình chỉ làm rách đúng một trang sách của cuốn Ehon Bé trứng do giấy quá mỏng lúc 11 tháng tuổi, khi con loay hoay tự lật sách mà không được. Khi đó, mình đã nhặt cuốn sách lên và nói “Ôi, Nhím làm rách sách rồi, bạn sách đau và buồn lắm đó. Khi đọc sách Nhím phải chú ý lật nhẹ nhàng nha”, mình không hề la mắng con. Và trộm vía, sau đó Nhím không làm rách hay xé nát cuốn sách nào nữa.
Về chuyện cuốn sách có trang bị rách, mình đã cất giữ khá kĩ và đợi nửa năm sau, khi Nhím 17 tháng tuổi, mình mới đem ra. Lúc đó mình kể cho Nhím nghe câu chuyện một em bé Nhím đã xé sách làm sách đau và dùng băng keo dán sách lại cho con thấy. Sau hôm đó thì mẹ con mình đọc cuốn sách bình thường như những cuốn sách khác.
Điều quan trọng nhất với nhà mình, đó là con thấy vui khi đọc sách cùng nhau và xem đó như là một hoạt động vui chơi, khám phá thế giới tại nhà.
Đọc thêm
Những bộ sách thiếu nhi 0-6 tuổi trong tủ sách nhà Nhím (Phần 2)
Những bộ sách thiếu nhi 0-6 tuổi trong tủ sách nhà Nhím (Phần 3)
Những bộ sách thiếu nhi 0-6 tuổi trong tủ sách nhà Nhím (Phần 1)