Đồ chơi của trẻ em rất phong phú, đa dạng. Mình đã bị choáng ngợp khi tìm kiếm trên Google những bộ đồ chơi thích hợp cho Nhím. Dưới đây là tổng hợp các món đồ chơi mà Nhím nhà mình đã chơi trong giai đoạn từ 1 – 2 tuổi
1. Bộ đồ chơi xây tháp của IKEA
Hai bộ đồ chơi này đã giúp Nhím rèn luyện vận động tinh qua việc điều khiển bàn tay, ngón tay để cho những chiếc vòng tròn vào lỗ khi xây tháp và nhận biết về những khái niệm đối lập to – nhỏ, cao – thấp và nhận diện các màu sắc cơ bản. Mình cũng kết hợp đọc bộ sách Đối lập ngộ nghĩnh cho Nhím trong giai đoạn này.
Tính tới thời điểm hiện tại, Nhím sắp 18 tháng, con đã biết xây tháp và lựa chọn màu sắc theo sự “nhờ vả” của người lớn. Nhưng vẫn chưa biết cách sắp xếp theo thứ tự nên 2 bộ này sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng Nhím trên hành trình học cách sắp xếp theo thứ tự từ lớn đến bé và ngược lại.
2. Bộ đồ chơi cho hình vào lỗ
2 bộ này đã đồng hành cùng Nhím từ hồi 6 tháng tuổi và bắt đầu từ những hoạt động cầm, nắm cơ bản. Sau khi nhìn ba mẹ làm mẫu là cho các hình khối vào đúng lỗ thì Nhím bắt đầu “bắt chước” và luôn luôn chọn hình tròn vì đó là hình dễ nhất.
Mình cũng tận dụng các hình khối này để làm khuôn tạo hình khi chơi cùng con với đất nặn từ bột mì. Giúp con nhận diện các hình khối, màu sắc và tập đếm số lượng qua trò chơi đồ hàng, bán bánh, ăn bánh.
3. Bộ cắt trái cây bằng gỗ
Theo như hướng dẫn sử dụng của bộ này thì thích hợp cho bé từ 36 tháng tuổi để có thể cầm dao và cắt đôi từng loại trái cây theo đường ghép. Nhưng do mình tranh thủ mua sớm trên Tiki để bà cầm sang cho Nhím nên sẵn tiện cho Nhím chơi luôn. Ở giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi thì Nhím chơi bộ này với trò ghép hình. Do mỗi trái cây đều có 2 phần và được ghép với nhau bằng nam châm nên ba mẹ có thể tách ra làm đôi và cho bé tìm nửa còn lại. Mình bắt đầu từ quả chuối và táo, 2 quả Nhím thích nhất để “dụ dỗ” em chơi trò này và em đã tiếp tục muốn ghép tiếp những trái cây còn lại. Cũng qua trò chơi này mẹ con mình cùng học tên các loại trái cây.
4. Bộ xây tháp số và động vật
Bộ này có nhiều mặt khác nhau như số, động vật và hình ảnh tương ứng với số của mỗi hộp. Có thể xếp gọn hoặc xếp thành tháp làm đồ trang trí. Nhím nhà mình ở giai đoạn 17 tháng đã bắt đầu đếm “một, hai, ba”… đánh tới các nhịp tiếp theo và nhảy cóc lên “chín, mười”. Nàng rất thích xếp thành đoàn tàu, đẩy tới đẩy lui rồi ngồi lên hộp như một hành khách.
5. Bộ học liệu màu sắc kết hợp bóc dán ghép hình
Bộ này chia theo nhiều màu sắc khác nhau và có những hình ảnh cùng màu tương ứng. Trẻ có thể gỡ ra hoặc dán lại vào đúng vị trí hình nền của các hình ảnh. Đây cũng là bộ học liệu thích hợp để làm bước đệm cho các trò chơi xếp hình vào khung theo mẫu khi bé lớn hơn một chút.
6. Bộ xếp thăng bằng đá gỗ đa giác Timu Ishi
Đây là bộ đồ chơi giúp bé hình thành khái niệm thăng bằng khi đặt chồng các đồ vật lên nhau và rèn luyện tính kiên nhẫn trong quá trình xếp tháp. Bộ này thiết kế đẹp, màu sắc nhã nhặn và có thể dùng để chơi phân loại màu sắc, phân loại theo các khái niệm đối lập như to – nhỏ, to hơn – nhỏ hơn – to vừa,… Ngoài ra, còn có thể dùng để trang trí cũng khá bắt mắt. Ở Việt Nam các mẹ có thể đặt mua trên Shopee, mình đặt mua ở Thuỵ Điển trên trang Amazon.se.
One Reply to “Ghép, xếp hình, xếp tháp cùng bé 1-2 tuổi”
Comments are closed.