Sau khi mình đăng bài viết về việc chuẩn bị đồ cho bé nhà mình đi học khi con vừa tròn 1 tuổi thì có nhiều bạn hỏi mình về kinh nghiệm xếp hàng, chọn trường mầm non cho con. Trong bài viết này mình sẽ giải đáp những thắc mắc cho các phụ huynh lần đầu làm cha mẹ về việc xếp hàng, chọn trường mầm non cho con ở Thuỵ Điển. Nếu còn những câu hỏi nào khác, các bạn có thể để lại câu hỏi ở phần comment dưới bài viết này.

1. Khi nào con bạn được đi học mầm non ở Thuỵ Điển? Nên cho con đi học ở độ tuổi nào?

Theo quy định của Skolverket (tạm dịch là Bộ giáo dục) ở Thuỵ Điển, trẻ từ 1 tuổi có quyền được đi học Mầm non (Förskola). Theo thống kê gần nhất thì 4/5 trẻ ở Thuỵ Điển bắt đầu đi học mầm non ở độ tuổi 1-3.

Có rất nhiều phụ huynh băn khoăn về việc khi nào là thời điểm thích hợp cho bé đi học. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của mỗi gia đình và sự sẵn sàng của từng bé. Như nhà mình, cả 2 vợ chồng đều muốn đi làm lại sau khi con được 1 tuổi, cộng thêm bé nhà mình dễ làm quen và hoà đồng với mọi người xung quanh nên tụi mình quyết định cho con đi học khi con được 1 tuổi 2 tuần. Nhưng cũng có nhiều gia đình khác muốn con cứng cáp hơn một chút nên cho con ở nhà lâu hơn. Cũng không sao cả, vì chỉ có bản thân bạn mới quyết định được điều gì là tốt nhất và phù hợp nhất cho cả gia đình.

Rất khó để có thể nói ở độ tuổi nào là phù hợp, nhưng theo kinh nghiệm công tác ở trường mầm non và đã phụ trách nhiều inskolning(ar) (giai đoạn tiếp nhận học sinh mới, đồng hành cùng từng phụ huynh và học sinh bước đầu làm quen với môi trường mầm non) ở nhiều lứa tuổi khác nhau thì mình thấy giai đoạn 1-3 tuổi là thích hợp nhất cho các bé lần đầu đi học. Bởi vì ở giai đoạn này, các con dễ làm quen với bạn mới và con bạn sẽ dễ hoà nhập với môi trường mới hơn. 

Từ 3 tuổi trở đi thì việc skola in (động từ của inskolning) có thể ngắn ngày hơn vì các con đã nhận thức được việc mình phải đi học, ít xảy ra tình trạng “mắt ướt nhạt nhoà” vào thời điểm lämning (lämnar barn på förskolan: thời điểm bạn đưa con đến trường và gửi con cho giáo viên). Nhưng đối với các bé nhút nhát hoặc chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn đồng chẳng lứa thì có thể sẽ có chút khó khăn. Vì ở giai đoạn này các bé đã dần hình thành tính cách, sở thích của bản thân và dần có bạn thân ở lớp, ở trường. Điều này có thể dẫn đến việc khi bé đi học sau 3 tuổi, thời gian để làm quen với trường lớp và kết bạn có thể kéo dài hơn một chút. Và có thể sẽ bị rơi vào tình trạng cảm thấy “bị cô lập” trong thời gian đầu do các bạn xung quanh đều đã có bạn thân, nhóm bạn thân để chơi cùng. Còn dài bao lâu thì tuỳ vào tính cách và khả năng hoà nhập của con bạn cũng như sự hỗ trợ của giáo viên, các bạn cùng lớp, cùng trường và môi trường giáo dục ở mỗi trường.

Có một điều đáng khen ở giáo dục Thuỵ Điển đó là họ có hẳn một Läroplan för Förskolan (Kế hoạch giảng dạy dành cho trường mầm non) để áp dụng cho tất cả các trường mầm non trong cả nước. Trong đó, quy định rõ ràng là mọi kế hoạch về hoạt động giảng dạy của trường, của lớp đều phải hướng đến sự chăm sóc, học tập và phát triển của từng học sinh. Nghĩa là con bạn dù là năng động, dễ hoà nhập hay nhút nhát, khó hoà nhập thì trách nhiệm của giáo viên ở Thuỵ Điển là tạo cho bé môi trường học tập và sinh hoạt phù hợp để đảm bảo cho bé phát triển toàn diện về cả thế chất lẫn tinh thần. 

2. Khi nào có thể xếp hàng chọn trường cho con?

Bạn có thể nộp đơn (lämna ansökan) xếp hàng chọn trường mầm non (ansöka om plats på förskola = ansöka om förskoleplats) cho con sớm nhất là 6 tháng trước ngày bạn muốn cho con đi học. Và con bạn có thể được sắp xếp cho đi học sớm nhất là lúc bé tròn 1 tuổi.

Riêng đối với trường tư (Fristående förskola) thì bạn sẽ nộp đơn để xếp hàng trên trang web riêng của trường. Nhà mình rất hăng hái xếp hàng vào một trường mầm non tư yêu thích gần nhà khi con vừa mới được 1 tháng, nhưng sau đó thì mới biết hồ sơ được cho vào hàng đợi đến khi con được 6 tháng mới có hiệu lực.

3. Được chọn tối đa bao nhiêu trường?

Bạn được quyền lựa chọn tối đa 5 trường, tính cả trường công và trường tư. Trong khoảng thời gian trước khi bạn nhận được kết quả trường con được nhận vào học, bạn có quyền thay đổi các trường trong danh sách 5 trường và thậm chí thứ tự ưu tiên theo nguyện vọng mà bạn đã chọn và vẫn được giữ đúng thứ tự xếp hàng của trường mà bạn muốn giữ lại.

Ở Göteborg, muốn thay đổi trường hay thứ tự theo nguyện vọng trong danh sách 5 trường này bạn phải gọi điện trực tiếp lên chỗ phụ trách trường học (skolservice) (telefon 031-365 09 60) để đổi.

4. Thời gian đợi để có chỗ là bao lâu?

Nếu bạn nộp đơn đăng kí trước ít nhất 4 tháng so với ngày bạn muốn cho con đi học thì kommun (quận) có trách nhiệm phải sắp xếp chỗ cho bé. Nghĩa là, nếu bạn đã quyết định thời điểm muốn cho con đi học thì nên nộp đơn đăng kí trước ít nhất 4 tháng. Cũng có thể xảy ra tình trạng con bạn không được xếp vào các trường theo nguyện vọng của bạn nếu các trường không còn chỗ trống (tại thời điểm con bạn nhập học) hoặc thứ tự xếp hàng của con bạn quá xa.

5. Thời điểm nào trong năm dễ có chỗ thích hợp nhất?

Đó chính là Hösttermin (Học kì mùa thu vào đầu tháng 8 hàng năm), vì lúc này sẽ có một số lượng lớn các bé chuyển cấp từ mầm non sang Förskoleklass (lớp 0). Cơ hội được vào trường gia đình mong muốn sẽ cao hơn.

6. Nếu con bạn được xếp vào 1 trường trong danh sách các trường đã xếp hàng thì có bị loại khỏi danh sách hàng đợi ở các trường còn lại không? 

Có. Khi bạn nhận được tin nhắn và email thông báo con bạn đã được nhận vào 1 trong danh sách các trường mà bạn đã đăng kí theo nguyện vọng thì Đơn đăng kí chọn trường của bạn sẽ bị huỷ.

7. Điều gì sẽ xảy ra khi con bạn được xếp vào một trường nằm ngoài danh sách các trường bạn đã đăng kí nguyện vọng?

Trường hợp con bạn được xếp vào một trường khác nằm ngoài danh sách các trường mà bạn đã lựa chọn thì bạn có quyền đồng ý (Tackar Ja) hoặc không đồng ý (Tackar Nej). Tuy nhiên, trong trường hợp này các nguyện vọng của bạn sẽ được giữ lại, nghĩa là con bạn vẫn có quyền tiếp tục xếp hàng theo nguyện vọng của gia đình.

8. Có cách nào để con em có thể vào được trường mà gia đình mong muốn không?

Có.

Cách đơn giản nhất là chờ đợi cho tới khi có chỗ. Nhưng đồng nghĩa với việc bạn có thể phải đợi lâu nếu như thứ tự hàng đợi của bạn quá xa. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc sắp xếp công việc của ba mẹ.

Cách mình làm là gọi điện thoại. Mình đã gọi điện trực tiếp cho chỗ phụ trách xếp hàng trường học ở Göteborg để hỏi về thứ tự hàng đợi của con mình ở trường mà vợ chồng mình đã cùng nhau chọn. Sau đó, mình gọi điện trực tiếp cho hiệu trưởng để hỏi về số lượng học sinh sắp chuyển cấp, vô tình được biết thêm vài thông tin nữa là có một số bé sẽ chuyển nhà sau mùa hè nên khả năng được vào trường của con mình sẽ cao hơn. Sau đó mình mới quyết định xếp hàng vào trường có khả năng được vào học cao, vừa gần nhà, có bạn người Việt học cùng và điểm đánh giá của phụ huynh và học sinh về trường cũng khá ổn. Vì tụi mình đã thống nhất cả hai cùng đi làm lại và sẽ gửi con đi học và không muốn chờ đợi lâu. Tụi mình cũng đã thống nhất cho con đi học tạm ở một trường khác từ tháng 5 đến khi nghỉ hè. Và may mắn đã có chỗ ở trường tụi mình mong con được vô học nhất vào tháng 8.

Và tất nhiên, việc học tạm một trường trong khi chờ đợi trường khác sẽ có thể gây khó khăn. Nhưng cá nhân mình thấy thì sau kì nghỉ hè, bé nhà mình đi học lại cũng sẽ phải inskolning lại từ đầu và bé còn nhỏ nên có thể sẽ không nhớ hết được thầy cô, bạn bè. Suy nghĩ theo hướng tích cực thì con sẽ ổn thôi. Phải tin tưởng vào thầy cô, vào con và vào bạn bè của con.

9. Làm sao để biết được trường mầm non đó có phù hợp hay không?

Ở đây mình không dùng “TRƯỜNG TỐT”, “TRƯỜNG TỆ” mà mình dùng “PHÙ HỢP” vì mình có quan điểm rất rõ ràng: Mỗi cá thể là khác nhau và cảm nhận, đánh giá cũng có thể khác nhau.

CẢM NHẬN

Đầu tiên, phải nói đến cảm nhận riêng của bạn và con bạn về trường, vì khi bạn cảm thấy phù hợp và thích trường thì con bạn cũng sẽ cảm nhận được những suy nghĩ tích cực và ngược lại. Có trường phù hợp với bé A, B, C, nhưng lại không thích hợp với bé X chẳng hạn. Mình đã chứng kiến việc học sinh đổi trường và đã thay đổi vô cùng tích cực ở trường mới, nhưng trường cũ của bé từng theo học vẫn được các phụ huynh và các học sinh khác yêu thích và tiếp tục theo học. 

Có phụ huynh chỉ chọn trường với tiêu chí gần nhà nhất, tiện đưa đón con và con dễ kết bạn gần nhà nên việc chọn trường cho con vô cùng đơn giản. Xếp hàng, đợi tới lúc được đi học và thế là đến trường, đến lớp. Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, sẽ không tự tạo áp lực cho phụ huynh, lại tiện đưa đón con. Hơn nữa, mình đã từng làm giáo viên thay thế (vikarie) ở hơn 15 trường khác nhau thì mình thấy về cơ bản các trường đều khá ổn vì các trường nằm ở khu vực tốt. Nhưng bản thân mình đã chứng kiến thực tế gia đình bạn mình cũng theo quan điểm này và đã bị khủng hoảng tinh thần đến mức phải gấp rút đổi nhà, đổi trường cho con vì trường không thích hợp với con. Thời điểm đó, nhà bạn mình ở khu hơi phức tạp nên sau một thời gian đi học thì 2 bé về thấy sợ hãi và chán không muốn đến trường do các bạn trong lớp không nghe lời cô, đánh nhau chí choé, cô phải dành rất nhiều thời gian để xử lý các tình huống éo le nên 2 bé con nhà bạn mình không học được gì mới và không còn hứng thú đi học. Vì vậy nên khi chọn trường cho bé nhà mình, mình đã cẩn thận hơn một chút. Dù vẫn giữ quan điểm gần nhà cho tiện nhưng không dám chọn bừa.

Tips: (Tất nhiên bạn không nhất thiết phải làm những điều dưới đây)

Việc đầu tiên mình làm là vào trang web của các trường để đọc giới thiệu sơ nét về trường, qua đó bạn có thể biết thêm những thông tin khác về những hoạt động của trường, quan điểm giáo dục của trường có theo quan điểm, triết lý hay phương pháp đặc biệt nào không. Ở Thuỵ Điển, các trường mầm non có thể theo các quan điểm, triết lý hay phương pháp như:

Dewey (“Att lära genom att göra”: Học đi đôi với hành. Trẻ học thông qua thực hành, phải tự làm mới giúp bé nhớ lâu và tự tìm hiểu được những kiến thức mới với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người lớn); 

Vygotskij (“Lärande kräver en aktiv elev, en aktiv lärare och en aktiv miljö“: Việc học tập đòi hỏi một đứa trẻ năng động, một người thầy năng động và một môi trường năng động)

Montessori (“Varje elev har en egen studieplan“: Mỗi học sinh đều có kế hoạch học tập của riêng mình. Trẻ được tự do chọn lựa hoạt động, trò chơi và có quyền tự quyết định chơi một mình hay chơi theo nhóm tuỳ vào khả năng và sở thích của mình. Thúc đẩy tính tự lập và sự sáng tạo.) 

Waldorf (“Elevens vilja och känsloliv är lika viktigt som intellektet“: Mong muốn và đời sống tình cảm của trẻ cũng quan trọng như trí tuệ)

Reggio Emilia (“De hundra språken”: Hàng trăm ngôn ngữ, phương pháp này đề cập đến giao tiếp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cho trẻ hàng trăm cách để chia sẻ suy nghĩ về thế giới xung quanh).

Sau đó, bạn có thể đến tham quan trường vào cuối tuần để bước đầu định hình khuôn viên trường mầm non ở Thuỵ Điển. Thường cổng ngoài (grind-en) của các trường mầm non không khoá, phụ huynh và các bé được vào tự do cuối tuần vào thứ 7, chủ nhật. Thường trường sẽ có các lớp học, sân trường. Trường nào lớn thì hay có 2 sân, sân nhỏ (Lilla Gården) và sân lớn (Stora Gården).

Đi ngang qua trường vào giờ ra sân để quan sát và trò chuyện với giáo viên của trường. Điều này sẽ giúp bạn cảm nhận phần nào về hoạt động của trường và môi trường học tập có dễ chịu và vui vẻ cho các bé hay không. Nhưng bản thân mình làm trong trường mầm non nên mình thấy điều này cũng hên xui khi đánh giá nếu bạn chỉ tới một lần. Ví dụ khi bạn đi ngang qua trường và thấy học sinh xảy ra mâu thuẫn chẳng hạn, mà bạn đánh giá trường không tốt thì có thể chưa hoàn toàn đúng. Ví dụ như hôm đó, vào những thời điểm giao mùa, khi giáo viên cơ hữu (ordinarie personal) nghỉ ốm, trường sẽ có nhiều giáo viên dạy thế (vikarie) thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các bé khóc trong sân, có xích mích,… Vì đội ngũ vikarie có người đã từng làm ở trường rồi và có nhiều kinh nghiệm thì học sinh sẽ thấy an toàn hơn, nhưng cũng có trường hợp vikarie mới tới lần đầu và nhiều người mới bắt đầu đi làm, còn thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và yếu tố ngôn ngữ cũng có thể ảnh hưởng tới việc giao tiếp với các bé. Và khi trẻ con cảm thấy không an toàn và thoải mái thì sẽ rất dễ xảy ra “kaos”.

Khi bạn đã làm tới đây rồi… Vậy thì làm sao để củng cố cảm nhận cá nhân của bạn và con bạn?

Bạn có thể gọi điện cho trường và bày tỏ rõ quan điểm là bạn muốn tới tham quan trường mầm non (besöka förskolan), trường sẽ sắp xếp cho bạn và bé thời gian phù hợp. Lúc này bạn sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về mục đích, tiêu chí hoạt động của trường và quan trọng hơn là quan sát và đánh giá xem bé nhà bạn có những biểu hiện thích thú khi đến trường tham quan hay không. Điều này cũng sẽ giúp bạn có thêm những yếu tố để quyết định chọn trường nào cho con. Tụi mình đã được tới tham quan trường sau khi gọi điện thoại và trong quá trình tới tham quan cả nhà thì mình cũng cảm nhận được phần nào.

THAM KHẢO ĐÁNH GIÁ CỦA HÀNG XÓM, NGƯỜI QUEN, PHỤ HUYNH VÀ HỌC SINH CỦA TRƯỜNG

Thứ hai, đó là đánh giá chung về hoạt động của trường, mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình, đội ngũ giáo viên, cảm nhận của phụ huynh và học sinh về trường học. Điều này bạn có thể tìm hiểu qua hàng xóm, bạn bè, người quen, các nhóm của phụ huynh nơi bạn sinh sống. 

Ví dụ ở Göteborg,

Bạn có thể xem thông tin về Đánh giá chung của Phụ huynh và học sinh về các trường mầm non các năm trước qua trang Enkäter Khảo sát ý kiến của Phụ huynh, học sinh qua các tiêu chí như: tiêu chuẩn, giá trị cơ bản, sứ mệnh của trường; Các hoạt động chăm sóc, giáo dục và phát triển dành cho học sinh; Sự tham gia và sức ảnh hưởng của trẻ đến các hoạt động của trường (điều này rất quan trọng đối với giáo dục mầm non Thuỵ Điển vì tất cả các hoạt động được tổ chức tại trường mầm non phải luôn xuất phát từ nhu cầu, sở thích và khả năng của trẻ. Điều này cũng đòi hỏi giáo viên phải thực hiện kế hoạch giảng dạy và tổ chức các hoạt động đa dạng để đảm bảo tất cả các học sinh đều có thể tham gia và học hỏi theo khả năng của mình); Mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường. 

Chọn năm và chọn mục Utbildning – Föräldrar och barn om förskolan. Thang điểm từ 1 đến 5. 

Theo dõi nhóm Facebook Förskolor i Göteborg med omnejd để tham khảo ý kiến và đặt câu hỏi về một trường nào đó.

10. Làm sao để giúp con bạn nhanh làm quen với môi trường mầm non?

Bản thân mình đã cùng con tham gia các hoạt động hoàn toàn miễn phí do các bảo tàng trong thành phố Göteborg, trường mầm non mở/ cộng đồng (Öppna förskolor) tổ chức hàng tuần dành cho cả phụ huynh và các bé để con có cơ hội được giao lưu, học hỏi và làm quen với các bạn cùng lứa tuổi trước khi con nhập học. Thư viện, những nơi vui chơi cho trẻ (lekplatser), các sân trường mầm non vào cuối tuần, công viên có khu vui chơi và hoạt động cho trẻ nhỏ,… cũng là những nơi lý tưởng.

Riêng mình, trong 1 năm ở nhà với con thì mình đã đưa con đến rất nhiều địa điểm khác nhau và thậm chí còn đăng kí học một khoá ca hát, nhảy múa của Funkys Babyrytmik dành cho cả phụ huynh và bé. Nhờ vào việc này mà bé nhà mình từ nhút nhát, khóc khi gặp người lạ đã trở nên dạn dĩ hơn và quen dần với các hoạt động tập thể ở trường mầm non trước khi đi học.

Ngoài ra, mình đã rất may mắn khi có bạn người Việt sinh con cũng gần bằng tuổi của Nhím, hơn nhau vài tháng tuổi đến nửa năm. Tụi mình thường hay hẹn hò nhau gặp gỡ vào cuối tuần để các con có bạn chơi cùng, để ba mẹ có cơ hội trò chuyện tiếng Việt. Và mình tin đây cũng là cơ hội tốt để ba mẹ có thể chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm nuôi con. Đồng thời, con sẽ có bạn bè chơi cùng và môi trường sinh hoạt, duy trì tiếng Việt.

11. Học phí ở trường mầm non

Trẻ ở độ tuổi mầm non vẫn phải đóng tiền học phí (förskoleavgift) và mức học phí này do từng kommun quy định. Học phí của mỗi bé là khác nhau tuỳ thuộc vào thu nhập của phụ huynh và số lượng con đi học mầm non trong mỗi gia đình.

Đây là bảng học phí tham khảo của kommun Uppsala, năm 2022:

Tất cả những thông tin này các bạn có thể tham khảo, nhưng việc quyết định vẫn là ở mỗi gia đình.